Trường nội trú IVS được xây dựng để giúp đỡ phụ huynh rèn luyện, giáo dục lại những đứa trẻ cá biệt mà các ngôi trường bình thường hay cha mẹ phải “bó tay”.
Đây là ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam nhận dạy những học sinh cá biệt như: nghiện game, bỏ nhà đi bụi, đánh nhau, khó dạy... Vào đây, các em được các thầy cô uốn nắn, dạy dỗ để trở thành những con người có ích cho tương lai.
Cơ sở đầu tiên của trường được thành lập vào năm 2009 tại Hà Nội. Đây cũng là ngôi trường phổ thông duy nhất được hưởng quy chế tuyển sinh đặc biệt của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trường tuyển sinh các lớp từ 6 – 12 dành cho tất cả các đối tượng học sinh cá biệt trên toàn quốc.
Trong chuyến thăm của Phụ nữ & Gia đình, chúng tôi gặp em Trần Đại Nghĩa (sinh năm 2001, ngụ tại Sài Gòn). Được biết, em vào học tại trường nội trú IVS từ tháng 6/2015 vì nghiện xem truyện tranh dẫn đến mất kiểm soát hành vi. Khi học ở trường ngoài, em rất dễ nổi nóng với mọi người xung quanh, suốt ngày chỉ lầm lì trong một góc riêng. Mặc dù mẹ đã cố gắng để tạo điều kiện tốt nhất cho Nghĩa nhưng em ấy chỉ thu mình, sống trong thế giới riêng, không giao tiếp với bất kỳ ai.
Theo lời kể của thầy Trịnh Phú Sơn, Trưởng ban nội trú trường IVS, ban đầu khi vào trường Nghĩa gần như không kiểm soát được hành vi của mình. "Em ấy gần như sống trong một thế giới riêng".
Những ngày đầu tiên khi vào trường, thời gian biểu sinh hoạt của Nghĩa hoàn toàn khác với các bạn. Vào buổi tối, Nghĩa thức khuya đọc truyện tranh còn buổi sáng sẽ ngủ bù lại. Để thay đổi nếp sống này, các thầy cô trong trường đã phải mất khoảng 3 tháng để lên phác đồ giáo dục cho Nghĩa. Bên cạnh đó, Nghĩa được đánh giá là một học sinh tiếp thu chậm nên các thầy cô giáo trong trường phải hết sức kiên trì, nhẫn nại để truyền đạt kiến thức cho em.
Sau hơn 2 năm học tại trường, Nghĩa dần mở lòng hơn, khả năng giao tiếp cũng được cải thiện nhiều. Nếu lúc trước, gia đình gần như bất lực với em thì hiện tại em đã chia sẻ nhiều hơn. Thời gian gần đây khi mẹ vào thăm, đôi lúc Nghĩa còn ôm, hôn mẹ của mình. Mỗi khi nhìn thấy những hành động tình cảm của con trai, mẹ của Nghĩa đều lặng lẽ rơi nước mắt.