Sau nghịch lý giáo viên vi phạm nghiêm trọng, nhiều tháng không giảng bài chưa bị kỷ luật, học sinh dũng cảm lên tiếng đã phải ra đi, ngành giáo dục nhận thêm “cú sốc” mới, khi học sinh này được trường mới tôn vinh.
- Học sinh bị cô giáo bắt súc miệng bằng nước lau bảng: Kém ăn, người gầy rộc
- Ý kiến luật sư: Đuổi việc cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước lau bảng là quá nhẹ
Theo tin tức cập nhật, em Phạm Song Toàn, nguyên học sinh lớp 11A1 trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM) đã chuyển đến một trường tư thục trên địa bàn TP. Tại đây, em được nhà trường tiếp nhận và trao học bổng toàn phần trị giá 300 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ bữa ăn bán trú và đưa đón bằng xe bus.
Một lãnh đạo của nhà trường đã khẳng định trường trao học bổng cho em Song Toàn vì “sự chính trực và lòng dũng cảm”, phù hợp với một trong các giá trị mà nhà trường lâu nay theo đuổi.
Xin chúc mừng em Song Toàn, cảm ơn trường tư thục đã đón nhận và tôn vinh em, đồng thời cũng xin chia buồn với ngôi trường mà em đã phải gạt nước mắt ra đi trong tức tưởi.
Trường THPT Long Thới, ngành giáo dục TPHCM, đến thời điểm hiện tại, không có hình thức ghi nhận, khen thưởng, tôn vinh em Toàn, người đã dũng cảm, trung thực nói lên sự thật nhức nhối, phản ánh sai phạm nghiêm trọng của giáo viên (GV) dạy Toán, để ngành giáo dục chấn chỉnh.
Trái lại, em Toàn đã phải ngay lập tức chịu rất nhiều áp lực, từ trách móc, dè bỉu, chê bai rằng em đã “lên tiếng không đúng chỗ”, “thích chơi trội”, “thích nổi tiếng”… Đến mức, lãnh đạo TPHCM thấy để em lại thì không ổn, đã chỉ đạo cho em chuyển trường, mặc dù chuyển đi trong thời điểm dở dang, có nhiều bất lợi cho em.
Ngược lại, GV vi phạm nghiêm trọng lại được một số người lên tiếng bao che, rằng cần cẩn trọng trong xem xét kỷ luật, sợ GV này bị buộc thôi việc (?).
Qua sự việc nói trên, chúng ta nhận thấy môi trường giáo dục ở một số nơi đang “có vấn đề”. Khi sự trung thực, dũng cảm phải “ra đi”, nhường chỗ cho thói cam chịu, thậm chí một số cá nhân vô trách nhiệm lộng hành, cái ác và sự giả dối lên ngôi. Một môi trường như vậy, liệu có thể đào tạo ra những chủ nhân tương lai của đất nước có những phẩm chất đàng hoàng, chính trực? Hay là những phẩm chất tốt đẹp vốn có của học sinh, của tuổi trẻ, đã bị mai một đi, bởi những biểu hiện trái khoáy, những cách hành xử vô lý, thiếu sự công tâm như vậy.
Qua “sự kiện Phạm Song Toàn”, ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn lại các chủ trương, giải pháp, chế tài xây dựng môi trường giáo dục, để bệnh thành tích và thói giả dối, vô trách nhiệm phải “ra đi”, chứ không phải ngược lại.