Cố dỗ ngọt đứa con trai uống nước, cô Nga bước từng bước thật chậm, khom tấm lưng già để ngồi xuống cười đùa cùng con. Ở cái tuổi 11, Gia Anh chẳng khác nào đứa trẻ lên 3 khi điều duy nhất em có thể làm là ú ớ vài ba tiếng ngọng nghịu…
- Thông tin MỚI vụ nổ súng ở Phú Quốc khiến 2 người tử vong: Kiểm soát sân bay, bến cảng truy bắt nghi phạm còn sót lại
- Bình Dương: Tai nạn thảm khốc xe tải tông xe máy, cả 4 người trong một gia đình tử vong tại chỗ
Con có tật nguyền vẫn là con của mẹ…
11h trưa, trong căn phòng nhỏ nằm sâu ở nghĩa trang giáo xứ, cô Vũ Thị Thanh Nga (52 tuổi) loay hoay dọn dẹp lại "bãi chiến trường" mà đứa con trai mắc bệnh down gây ra. 8 năm qua, người dân sống gần nghĩa trang giáo xứ (hẻm 631 Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp) đã quen với hình ảnh người mẹ lớn tuổi, vất vả ngược xuôi đề chăm bẵm cho đứa con khờ.
Đưa đôi tay quệt nước mắt, cô Nga cho biết Gia Anh là đứa con trai duy nhất của cô và chú Tiến (quê Phan Rí). Sau một thời gian dài tìm hiểu, cả 2 quyết định nên duyên vợ chồng, ước mơ làm mẹ của cô cũng trở thành hiện thực ở tuổi 40.
Ngày Gia Anh chào đời, 2 vợ chồng ngập tràn hạnh phúc khi đứa trẻ vô cùng bụ bẫm, đáng yêu. Nhưng rồi mấy tháng sau, khuôn mặt của Gia Anh bất chợt thay đổi, ngày một giống những đứa trẻ mắc bệnh down.
"Lúc đưa con đi BV Nhi đồng 1, bác sĩ nói bé bị down, cô nghe rồi thẫn thờ luôn. Cô không biết một cái gì cả, trước giờ sinh con ra vẫn bình thường, mà giờ bé lại bệnh như vậy, cô sốc lắm. Nhưng mà biết sao được, nó cũng là con mình mà, ông trời cho quả ngọt thì mình có quả ngọt, còn quả đăng cũng phải chịu. 11 năm rồi, bé ở với cô, 2 mẹ con quấn quýt với nhau…", vừa nói, cô Nga nhìn về phía Gia Anh thỏ thẻ:
Khoảng 5 tháng tuổi, khuôn mặt Gia Anh bắt đầu chuyển đổi, bác sĩ chẩn đoán em mắc hội chứng down
"Em bé của mẹ ngoan, cũng biết thương mẹ nữa. Mẹ yêu bé nhiều lắm".
11 tuổi, Gia Anh chẳng khác gì một đứa con nít khi chẳng đi đứng, vệ sinh gì được bởi chức bệnh down bẩm sinh. Dù chăm sóc có phần cực khổ nhưng với cô Nga, việc được nhìn thấy con trai mỗi ngày đã là điều hạnh phúc nhất.
"Nhiều lúc cô đi làm gặp con người ta cùng trang lứa với cháu, về nhà thấy con mình nước mắt cứ ứa ra, đêm không ngủ được. Thằng bé mỗi ngày cứ lớn lên, còn mình mỗi ngày thì già đi, đâu thể nào sống đời với con được. Cô buồn lắm nhưng chả biết tâm sự với ai, nói chuyện với con thì nó cứ ngơ ngác nhìn mình, chứ có biết gì đâu.
Cô Nga bật khóc khi nhắc đến đứa con trai tội nghiệp
Bỏ con thì không được, cô phải cố gắng mà nuôi bé. Thấy nhiều người cũng có con, rất ngoan, dễ thương mà lại bỏ rơi. Con mình bệnh hoạn như này còn thương không hết, vậy mà lại bỏ con đi. Cô cứ xem bé như một món quà mà ông trời ban cho mình, tự an ủi để cố gắng vì con", cô Nga bật khóc.
Trước kia, cô Nga đi vác đá thuê để bỏ cho các quán nước, tiểu thương trong chợ, công việc bắt đầu từ 4h30 sáng đến hơn 12h trưa. Vì để tiện chăm Gia Anh, cô Nga cứ đi đi về về để trông chừng con, mấy tuần nay, cô Nga bị bệnh thận, phải đặt ống, công việc vác đá cũng chẳng làm được nữa.
Buổi sáng đi làm, cô Nga tranh thủ đi đi về về để lo cho con trai
Khi hỏi về cha của Gia Anh, cô Nga cho biết sau khi con bệnh, chú đi làm ăn xa, cứ 1 tháng về thăm con 1 lần. Đôi lúc nhìn thấy chú buồn, cô Nga cũng động viên chú đi kiếm hạnh phúc khác, có cho mình đứa con lanh lợi hơn nhưng chú bảo dù sao thì Gia Anh vẫn là con, chú không bỏ được.
"8 năm rồi, 2 mẹ con cô sống với nhau thôi chứ cha bé không ở đây. Trên danh nghĩa, Gia Anh có cha nhưng cô chú không có sống chung. Nhưng chú vẫn lui tới thăm con, mỗi tháng chu cấp cho bé 1.5 triệu để mua sữa tã", cô Nga nói.
11 năm hủ hỉ cùng nhau, ước được một lần con gọi "Mẹ ơi"
Đang cặm cụi chuẩn bị bữa trưa cho con trai, nghe thấy tiếng la hét, đập phá đồ đạc của Gia Anh, cô Nga vội vàng chạy vào phòng, ôm chầm lấy con. "Bé của mẹ ngoan, đừng phá nữa, để mẹ lấy nước cho con".
Cảm nhận được tình thương của mẹ, Gia Anh rất ngoan ngoãn
11 năm, Gia Anh vẫn như một đứa trẻ, mọi sinh hoạt ăn uống, tắm rửa hàng ngày đều do cô Nga chăm sóc. Thời gian đầu, Gia Anh thường xuyên đau ốm, bệnh tật, ra vào viện liên tục, hai mẹ con ở trong một căn trọ chật hẹp.
Sau khi được cha xứ giúp đỡ, 8 năm nay, 2 mẹ con được ở trong nghĩa trang giáo xứ, cuộc sống thoải mái hơn.
"Có hôm đi làm về, thằng bé đi vệ sinh không tự chủ thành "bãi chiến trường", cô nhìn con chỉ biết cười. Con của mình mà, nó có biết gì đâu, mình cứ âm thầm dọn thôi", cô Nga cười nghẹn.
Mọi sinh hoạt của Gia Anh đều do một tay cô Nga chăm bẵm
Mặc dù trải qua muôn vàn khổ cực, một mình phải vừa làm mẹ, vừa làm cha để chăm sóc, lo lắng cho Gia Anh nhưng chưa một giây phút nào, cô Nga nghĩ đến việc bỏ con.
Buổi sáng đi làm, trưa chiều lại về chơi đùa, tối đến hủ hỉ cùng con, 11 năm cứ thế trôi qua trong niềm hạnh phúc được làm mẹ của cô Nga.
"Cô chỉ biết chăm sóc nó đến khi nào không được nữa thì thôi. Nó là núm ruột cô sinh ra mà, sao mà bỏ được. Hễ đi làm thì thôi chứ về là 2 mẹ con quấn quýt, hủ hỉ cùng nhau. Đi làm có mệt cỡ nào, về thấy con ở nhà, cô lại có thêm động lực để cố gắng.
Nhiều hôm cô mệt, ốm trong người, thằng bé cứ cầm tay cô kéo về phía nó, rồi nằm sát vô người mẹ, thương lắm", cô Nga tâm sự.
Người mẹ 11 năm nuôi con trai bị bệnh: "Nếu có đi thì ông trời hãy đưa cả 2 mẹ con cô đi cùng"
Chăm con 11 năm, ước mơ lớn nhất của cô Nga là được nghe con gọi 2 tiếng "Mẹ ơi". Từ khi còn nhỏ, cô cũng tập cho con học nói như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng rồi Gia Anh chỉ đáp lại bằng tiếng ú ớ, ngọng nghịu.
"Ước gì thằng bé gọi mẹ ơi, cô không cần gì nữa. Gọi mẹ là an lòng rồi, nhưng nó không nói được. Cô sợ một mai cô không còn nữa, bỏ thằng bé lại một mình.
Nhiều lúc cô cầu xin nếu sau này ông trời có đưa thì đưa 2 mẹ con đi luôn, để cho có mẹ có con. Cô thì mỗi ngày một già, còn con chẳng chịu lớn", cô Nga nhìn Gia Anh, thở dài.
Điều ước lớn nhất của cô Nga là được một lần nghe con gọi 2 tiếng "Mẹ ơi"!
Trong căn nhà nhỏ, cô Nga múc từng muỗng thức ăn, nhẹ nhàng đút cho Gia Anh, chốc chốc lại nhìn về phía đầu ngõ. Mười một năm, cuộc sống của 2 mẹ con cứ lặp đi lặp lại, riết rồi trở thành phần còn lại không thể thiếu của nhau.
Gia Anh cần có mẹ cũng như cô Nga cần có con. Dẫu cho ở ngoài kia, có nhiều thứ lung linh hơn nhưng chẳng thể nào so vì được với hạnh phúc giản đơn cô Nga có được. Dù nó có phần móp méo, đau thương…
Ước gì, cô Nga luôn khỏe mạnh, có được một công việc làm ổn định để cùng Gia Anh đi đoạn đường xa nhất…