Trên mạng xã hội, truyền thông đưa quá chi tiết về tên, tuổi của các bé tại "Tịnh thất Bồng Lai" như vậy vi phạm điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
- Vụ 'Tịnh thất Bồng Lai': Tạm giữ khẩn cấp ông Lê Tùng Vân và một số người có liên quan để phục vụ công tác điều tra
- Xôn xao giấy kết quả giám định ADN của Lê Tùng Vân và những người sống trong Tịnh thất Bồng Lai: Là cha ruột của 11 người, đáng chú ý người nhỏ nhất chỉ sinh năm 2018?
Những ngày qua, ồn ào xung quanh "Tịnh thất Bồng Lai" khiến cộng đồng đặc biệt quan tâm chú ý và bàn tán xôn xao. Đặc biệt, hình ảnh, thông tin cá nhân của những đứa trẻ sống tại tịnh thất bị vô tư chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Trước việc này, theo thông tin của Sức khoẻ và Đời sống, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH vừa đề nghị cộng đồng xã hội giữ bí mật thông tin cá nhân để bảo vệ các trẻ em tại "Tịnh thất Bồng Lai".
Cục trưởng Cục Trẻ em khẳng định, lỗi lầm của người lớn gây ra không liên quan đến trẻ em và sự việc cũng đang được cơ quan công an xử lý. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Long An gửi Cục Trẻ em, nhóm trẻ em tại "Tịnh thất Bồng Lai" đều có giấy khai sinh, các em được mẹ đứng tên chăm sóc, có nơi ăn chốn ở. Nơi đây cũng không được coi là cơ sở bảo trợ xã hội, nhà chùa mà họ chỉ nhân danh. Chính vì vậy, các em không phải là trẻ mồ côi và là đối tượng được bảo trợ xã hội.
Kết quả giám định của cơ quan chức năng Long An cho thấy, hàng loạt đứa trẻ (trẻ nhỏ nhất sinh năm 2018) có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân. Ông Đặng Hoa Nam cũng cho biết về vấn đề này, đặt ra câu hỏi hiện nay phải làm rõ, có hay không dấu hiệu xâm hại tình dục, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em vị thành niên?.
Về vấn đề bảo đảm quyền hợp pháp, danh tính, thân nhân của nhóm trẻ em, ông Nam cho biết: Trẻ em vẫn có quyền được hưởng các quyền lợi bình thường, được đối xử bình đẳng và được pháp luật bảo vệ danh tính, nhân thân. Bố mẹ, người khác vi phạm sẽ bị xử lý trước pháp luật.
Vụ việc một lần nữa nhấn mạnh việc quản lý Nhà nước đối với các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập phải tăng cường ở nhiều góc độ: Phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và các cơ sở bảo trợ xã hội nói chung. Thường xuyên rà soát xem đối tượng chăm sóc này có đúng đối tượng hay không.
Bài học từ vụ "Tịnh thất Bồng Lai" còn là việc phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc vận động, sử dụng nguồn tiền từ thiện cho cơ sở này, bao gồm tiền, hàng hóa, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em...