Không chỉ xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, cô đồng T.H. nói về gia thế, thậm chí chỉ đích danh họ tên các thành viên trong gia đình của người hỏi.
- Công an vào cuộc vụ cô đồng bổ cau, xem bói 'đúng nhận sai cãi' gây xôn xao khắp cõi mạng
- Chuyên gia văn hóa lên tiếng về cô đồng bổ cau 'đúng nhận sai cãi' gây xôn xao khắp cõi mạng
Trong những ngày nay, mạng xã hội xôn xao trước cụm từ "đúng nhận sai cãi" được cho là phát ngôn của một thành viên tên là "Cô đồng bổ cau T.H".
Đáng chú ý, qua những video chứa nội dung xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau. Câu nói nổi bật nhất thường được cô nhắc đi nhắc lại sau khi nêu gia cảnh hay chuyện quá khứ của khách hàng là "đúng nhận sai cãi", "đúng nhận sai cãi cho tôi", ý là nếu thấy cô phán đúng thì nhận, thấy sai thì phải phản hồi ngay.
Không chỉ xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, người phụ nữ còn nói về gia thế, thậm chí chỉ đích danh họ tên các thành viên trong gia đình của người hỏi. Chỉ mới 2 tháng sau khi đăng clip đầu tiên, tài khoản TikTok của người này hiện có hơn 150.000 lượt theo dõi.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Liên quan đến vấn đề trên, sáng 8/2, trao đổi với PV, một đại diện lãnh đạo Công an Thị xã Kinh Môn (Hải Dương) cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin và đang theo dõi.
"Công an thị xã và Công an phường Hiến Thành cũng đang vào cuộc xác minh. Trường hợp nếu có các vi phạm, Công an thị xã sẽ cùng với Ban chỉ đạo tôn giáo của thị xã làm rõ và xử lý theo các quy định của pháp luật", đại diện Công an thị xã Kinh Môn nói với báo chí.
Cùng vụ việc, ông Vũ Văn Dung, Chủ tịch UBND phường Hiến Thành, cho biết, bà T.H. hiện đang sinh sống trên địa bàn phường. Ông Dung nói, chính quyền đang tiến hành xác minh để báo cáo lãnh đạo thị xã và Ban Tôn giáo thị xã.
Qua xác minh ban đầu, bà T.H. trước lấy chồng ở địa phương khác và mới về địa bàn sinh sống, trông nhà cho bố mẹ đi miền Nam.
Phản đối hoạt động mê tín, dị đoan
Hầu đồng, hay còn gọi là hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian và tôn giáo thờ nữ thần mẹ Đạo Mẫu dòng Shaman giáo của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Theo Ban tôn giáo Chính phủ, hầu đồng là một hoạt động tín ngưỡng có tính thiêng rất cao. Theo quan niệm và thực tế, bản chất của việc hầu đồng là các vị thánh thần nhập vào người hầu đồng để phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc... Lúc này, các ông/bà đồng là hiện thân của vị thần đã nhập vào họ.
Cũng theo Ban Tôn giáo Chính phủ, hầu đồng là nghi lễ trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ (Thiên, Địa, Thoải và phủ Thượng Ngàn hay còn gọi là Nhạc Phủ). Đặc biệt, nghi lễ này thường mang đặc điểm cũng như các sắc thái khác nhau và được thể hiện trong việc thờ các vị thành trong đền.
Tuy nhiên, một số "cô đồng" lợi dụng nghi thức này trong việc xem bói toán, thì bị coi là mê tín dị đoan.
Trao đổi với PV, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rẳng đây là hoạt động mê tín, dị đoan, hoàn toàn không nên theo và không nên tin.
Ông Vĩ nhấn mạnh, mọi người không nên mất tiền vào việc bói toán vì đây là hành vi mê tín dị đoan.
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho hay, mặt tích cực của hầu đồng đó là có thể giải thích bằng khoa học như là yếu tố tâm lý tác động vào cá nhân, xã hội cần được giải toả, giải phóng, có thể làm cho con người bớt đi nỗi ưu tư, bớt đi nỗi lo toan.
Nếu vi phạm pháp luật về tuyên truyền mê tín dị đoan quan chức năng nên xử lý về mặt hành chính. Bên cạnh đó, người dân phải cảnh giác qua phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho nhân dân",
Theo ông Đức, trước đây hoạt động này bị ngăn cấm, mấy năm gần đây nền kinh tế phát triển kéo theo một số hệ lụy tồn tại khiến lực lượng chức năng khó xử lý. Hiện tượng hầu đồng mấy năm qua cũng có mặt tích cực nhưng cũng có mặt hạn chế như mê tín, dị đoan.