Thời gian gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng về các vụ án mạng xảy ra với tính chất man rợ, "máu lạnh" của những kẻ thủ ác.
- Bàng hoàng phát hiện thi thể người phụ nữ 50 tuổi trôi trên sông ở TP.HCM
- Mâu thuẫn với vợ, gã chồng đâm thủng bụng con ruột mới 22 ngày tuổi, phải chuyển viện khẩn cấp vì tình trạng nguy kịch
Theo thông tin từ VOV, thời gian gần đây, cả nước xảy ra không ít vụ án mạng đau lòng; tính chất, mức độ của các vụ có chiều hướng ngày càng manh động, dã man... Điều đáng nói, hung thủ đến từ mọi tầng lớp xã hội, từ học sinh, sinh viên, lao động tay chân,… thậm chí cả người có việc làm ổn định đều có thể trở thành tội phạm. Điểm chung là họ đủ khả năng tự chủ về hành vi, nhận thức về hành động, nhưng lại có thể xuống tay một cách tàn độc.
Ví như, cuối tháng 10 vừa qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ việc nữ giúp việc Giáp Thị Huyền Trang (sinh năm 1996, quê Bắc Giang) bắt cóc và giết bé gái ở huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội để đòi tiền chuộc 1,5 tỷ đồng. Gần đây nhất, nhiều người cảm thấy sợ hãi trước thông tin một cô gái 17 tuổi bị sát hại, phân xác phi tang ở sông Hồng, Hà Nội. Đối tượng gây ra vụ án này là Tạ Duy Khanh (sinh năm 1985, quê ở Thái Bình, trú tại 1 khu đô thị ở huyện Gia Lâm, Hà Nội). Nguyên nhân được xác định ban đầu là do cô gái nợ Khanh 50 triệu không trả, nên Khanh đã sát hại nạn nhân.
Liên quan đến vấn đề trên, dẫn tin từ VTC News, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia tội phạm học, bày tỏ lo ngại trước mặt trái của truyền thông tác động đến suy nghĩ, hành động của con người, đặc biệt là giới trẻ.
Ông Thìn dẫn chứng, việc mô tả chi tiết bằng ngôn ngữ, hình ảnh các vụ án được lặp đi lặp lại dẫn đến chai sạn cảm xúc đối với người tiếp cận thông tin, từ đó dễ dẫn đến vô cảm trước cái ác.
"Không những thế, nó dễ đưa người ta đến các hành động bắt chước, làm theo mà không hề ý thức được rằng đó chính là đi ngược lại với đạo đức con người và chống lại luật pháp. Điều này đặc biệt nguy hiểm với giới trẻ, nhất là với người chưa thành niên.
Lứa tuổi vị thành niên chưa hoàn thiện về thể chất và nhân cách, chưa có sự trải nghiệm cuộc sống nên chưa ý thức sâu sắc về những hành vi của mình, chưa đủ nhận biết hết những hậu quả nặng nề trước các hành động của mình gây ra", chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn cảnh báo.
Vì vậy, ông Thìn cho rằng, truyền thông khi phản ánh các vấn đề xã hội cần phải cân nhắc, thận trọng trong việc đưa các thông tin, hình ảnh, liều lượng. Bản thân người làm trong lĩnh vực truyền thông và các cơ quan truyền thông trước hết phải xây dựng cho mình một tinh thần, thái độ trách nhiệm xã hội rất cao, tính nhân văn, tích cực và khoa học.
Khi phản ánh cái xấu, cái ác vừa thể hiện được sự lên án, phê phán, vừa hướng người đọc, người xem đến những điều tích cực, trong sáng. Không thể chạy theo vụ việc, gây sốc một cách thiếu trách nhiệm, nhất là những vụ việc có tác động, ảnh hưởng đến giới trẻ.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, cho biết thời gian qua không ít các tài khoản trên mạng xã hội, thậm chí có cả những trang báo chính thống đưa những thông tin, hình ảnh có tính chất bạo lực, mô tả tỉ mỉ hành động tội ác gây tác động tâm lý tiêu cực đến một bộ phận trong xã hội, trong đó có các bạn trẻ.
"Trong số những nguyên nhân khiến các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người thì có nguyên nhân từ việc đối tượng tiếp xúc với những văn hóa độc hại trên mạng internet. Đó là những thông tin, hình ảnh chém giết, mô tả cụ thể chi tiết hành vi phạm tội. Tiếp xúc nhiều với văn hóa bạo lực, những vụ chém giết, sát hại người khác khiến nhiều đối tượng trở nên lì lợm, máu lạnh đối với những hành vi phạm tội giết người", luật sư Cường phân tích.
Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát, kịp thời phát hiện những thông tin, hình ảnh vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, vi phạm pháp luật để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc quản lý việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, nguyên nhân của những vụ thảm sát vừa qua đến từ nhiều hướng, nhưng trước hết phải thấy rằng một bộ phận người dân bị thoái hóa về đạo đức, nhân cách.
Họ chạy theo các giá trị tiêu cực nhằm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân thiếu lành mạnh về tiền bạc, vật chất, tình ái... Những nhu cầu này vượt quá khả năng thực tế của bản thân nên thúc đẩy họ hành động bất chấp sự phải - trái, đúng - sai, bất chấp hậu quả đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Các phương thức, thủ đoạn gây án rất dã man, manh động, tàn bạo khiến người khác rùng mình. Hành vi này không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm con người mà còn biểu hiện sự coi thường, thách thức pháp luật và đạo đức xã hội.
Ông Thìn phân tích rằng các đối tượng đều ý thức được rằng, với tội ác gây ra họ sẽ phải đối mặt với những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc (chung thân, tử hình). Vì vậy, những kẻ này đã tìm mọi cách để cơ quan điều tra và người dân không thể nhận dạng được nạn nhân. Từ đó, những kẻ phạm tội mong thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
"Các đối tượng có hành vi gây căm phẫn và bức xúc như phân xác nạn nhân hay giấu thi thể nạn nhân ở những nơi rất khó phát hiện không hoàn toàn xuất phát từ những mâu thuẫn, xung đột cao độ đến mức phải ra tay tàn độc nhằm thỏa mãn tâm lý thù hằn. Phần lớn các vụ này, đối tượng đều có mục đích che giấu tội phạm nhằm tránh bị phát hiện, bị trừng phạt", PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn phân tích.
Ngoài 2 nguyên nhân trên, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cũng chỉ ra, một bộ phận người dân hiện nay, nhất là giới trẻ thiếu các kỹ năng cần thiết trước các khó khăn, vướng mắc hoặc các "cú sốc", các áp lực trong đời sống. Vì vậy, khi đặt vào các tình huống cụ thể họ rất dễ hành động theo bản năng.
Mặc dù chưa đủ căn cứ để nói rằng tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa, nhưng theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, tính chất phạm tội do người trẻ tuổi gây ra trong thời gian gần đây rất nghiêm trọng, rất phức tạp. Về ảnh hưởng của game online đối với hành vi của người chưa thành niên đã được nói đến rất nhiều lần.
"Những hình ảnh bạo lực, tàn ác, "siêu nhân" kiểu chém giết, thanh toán lẫn nhau không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, học tập của người chưa thành niên mà nó hình thành vết mòn tâm lý trong nhận thức của người trẻ.
Những "vết mòn" này được tích tụ, bồi đắp tạo nên những "phẩm chất tiêu cực" ẩn chứa trong đời sống tinh thần của họ. Và, khi có điều kiện phù hợp thì họ rất có thể hành động phạm tội như các hình mẫu đã được tiếp cận", ông Thìn cho hay.