Vào thời khắc bước sang năm mới, trên đầu máy chỉ còn lái chính và lái phụ. Họ vừa lái vừa nói với nhau câu chúc mừng năm mới giữa đêm tối...
- Giáp Tết, kẻ cướp gửi trả 100 triệu đồng và thư xin lỗi: ‘Làm sao tôi đối mặt với đứa con bé bỏng của mình đây’
- Cận Tết, cha lang thang gõ cửa từng nhà xin lau dọn kiếm tiền nuôi con: ‘Để chúng nó được học bắt tôi làm gì cũng được’
Ông Quách Tuấn Anh, quản đốc tại XN Đầu máy Hà Nội, người có 11 năm kinh nghiệm lái tàu, chia sẻ: Với các lái tàu, ngày lễ Tết không có gì khác biệt vì họ vẫn mải miết trên các cung đường.
Lái tàu Nguyễn Cảnh Dương, SN 1964, XN Đầu máy Hà Nội, kể: Đầu máy lái tàu hoàn toàn tách biệt với các toa của khách nên vào giờ phút chuyển giao sang năm mới trên đầu máy chỉ có 2 người lái chính và lái phụ ngồi cạnh nhau.
"Hai người ở hai ghế, mắt vẫn hướng về phía trước tiếp tục điều khiển đoàn tàu lăn bánh, có chăng chúng tôi chỉ quay sang nói với nhau câu chúc mừng năm mới trong lúc tàu lao vẫn đi giữa màn đêm thăm thẳm”, ông Dương nói.
Người lái tàu có hơn 30 năm kinh nghiệm chia sẻ thêm, với nghề lái tàu, đêm giao thừa cũng như ngày thường, đều không có giờ ăn, nghỉ cố định. Họ phải chờ khi tàu về đến ga mới có thể ăn cơm, hoặc tranh thủ ăn luôn trên tàu.
“Đến giờ ăn, các bộ phận khác có thể dừng để ăn uống, nghỉ ngơi và có căng tin phục vụ. Còn chúng tôi phải tự lo bữa ăn khi tàu vẫn lăn bánh. Có những ngày cuối năm, lái chính vẫn làm việc còn người lái phụ pha gói mì ăn vội. Tàu đi qua một khúc quanh bị nghiêng khiến bát mì đổ hết lên người”, anh Dương nhớ lại.
Lái tàu Nguyễn Hoài Nam, XN Đầu máy Hà Nội, kể một kỷ niệm anh không thể quên: “Năm 1987 đường sắt vẫn còn sử dụng đầu máy xe lửa để chở khách và hàng. Đầu máy chạy bằng hơi nước tạo ra từ việc đốt than. Những lúc than không cháy bắt buộc chúng tôi phải dùng đến dầu dự phòng. Mỗi chuyến tàu có khoảng 200 lít dầu dự phòng.
Nhân viên tàu phải đổ dầu lên thùng và phun vào lò đốt cháy và tạo năng lượng để tàu vận hành.
Giao thừa năm 1987 chuyển giao sang năm 1988, chúng tôi lái chuyến tàu từ Nam ra Bắc, đi đến Văn Điển thì bắt buộc phải dùng đến dầu dự trữ.
Lúc đó, đồng hồ chuyển sang thời khắc giao thừa, 3 nhân viên tàu liên tiếp thay nhau múc dầu lên trong cái rét căm căm của đêm.
Chúng tôi cứ liên tục như thế từ ga Văn Điển về đến Giáp Bát. Sự cố đó rơi vào ngày bình thường thì không sao nhưng đúng vào ngày Tết khiến nhân viên không khỏi chạnh lòng.
Lần đó, chúng tôi về nhà, lên giường tìm giấc ngủ khi đã mệt nhoài mặc cho ngoài kia, các gia đình hân hoan đi chúc Tết, đón năm mới”.
Món quà từ vị khách đặc biệt
Ngoài những khó khăn, vất vả với nghề “không có Tết”, các lái tàu của XN Đầu máy Hà Nội vẫn có những kỷ niệm vô cùng đẹp vào ngày đầu năm mới.
Lái tàu Đoàn Đình Sinh (SN 1964), người có 34 năm kinh nghiệm trong nghề, vẫn còn nhớ như in cảm giác được vị khách đặc biệt quan tâm trong chuyến tàu Tết từ nhiều năm trước.
Anh kể: “Hôm đó lái tàu Tết, tàu đến một ga thì dừng lại. Chúng tôi đang ngồi buồn vì ngày Tết vắng vẻ, khách cũng ít, bỗng có tiếng đập cửa. Tôi mở ra thì nhìn thấy một người quen quen nhưng không nhớ ra tên.
Chưa kịp phản ứng thì vị khách hỏi: “Đây có phải chỗ của lái tàu không?”. Vị khách nói tiếp: “Tôi đi biểu diễn ở trong Nam. Tôi ngồi bên toa bên kia nhưng nhìn cảnh tàu thưa thớt, Tết nhất ảm đạm, tự nhiên tôi nhớ đến các anh”.
Lúc này, cả nhóm lái tàu mới nhận ra người phụ nữ đang đứng trước mặt chính là nghệ sĩ nổi tiếng thời đó là Tường Vi. Sau đó, mọi người đề nghị chị hát và chị đã không từ chối”.
Nữ nghệ sĩ hát say sưa, không cần nhạc, không cần micro trong ngày đầu năm mới khiến các lái tàu vô cùng cảm động.
“Đời lái tàu vất vả, nhưng đôi khi được nhận những món quà bất ngờ từ những vị khách đặc biệt cũng thấy ấm lòng hơn trong ngày Tết”, anh Sinh chưa sẻ.