Chiêu thức lừa đảo 'con cấp cứu cần chuyển tiền ngay' đã xuất hiện ở Hà Nội: Bệnh viện hướng dẫn cách nhận biết thật hay giả

Xã hội 14/03/2023 13:05

Những ngày gần đây, liên tiếp xuất hiện thông tin phụ huynh học sinh từ trường công lập cho đến trường quốc tế tại TP.HCM và Hà Nội nhận các cuộc điện thoại báo tin "con đang cấp cứu, chuyển khoản gấp để làm thủ tục phẫu thuật" khiến họ bị lừa hàng trăm triệu đồng.

Theo thông tin từ báo Thanh Niên, vào chiều ngày 13/3, đồng loạt phụ huynh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận được thông báo của nhà trường với nội dung: "Ngày hôm nay, có 2 phụ huynh của trường bị kẻ xấu giả danh giáo viên, nhân viên y tế của trường gọi điện báo tin con gặp tai nạn, nói: "Con đang ở viện cấp cứu và cần chuyển tiền ngay để nhập viện".

 

Cũng theo thông báo này: "Kẻ xấu nắm rất rõ thông tin của học sinh và tên chính xác của giáo viên, kể cả môn dạy. Xin thông báo để các bác nâng cao cảnh giác. Nếu cha mẹ học sinh nhận được tin nhắn, cuộc gọi tương tự, cha mẹ học sinh liên hệ ngay với cô Tuyến, Phó hiệu trưởng hoặc thầy cô chủ nhiệm để xác minh".

Sau đó, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết may mắn là 2 phụ huynh nhận được cuộc gọi nói trên đều đã biết hành vi lừa đảo này ở TP.HCM những ngày gần đây nên cảnh giác gọi điện để xác minh thông tin nên kẻ xấu đã không thực hiện được hành vi lừa đảo trên.

Theo bà Nhiếp, sau khi nhận được thông tin việc đầu tiên là nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm lập tức thông báo đến phụ huynh của tất cả các lớp trên toàn trường và sẽ báo cáo với cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời tình trạng này.

Chiêu thức lừa đảo 'con cấp cứu cần chuyển tiền ngay' đã xuất hiện ở Hà Nội: Bệnh viện hướng dẫn cách nhận biết thật hay giả - Ảnh 1
Phụ huynh Trường THPT Chu Văn An nhận được cảnh báo từ nhà trường - Ảnh: Báo Thanh Niên

Theo thông tin từ báo Đời sống, về phía các bệnh viện, TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện E) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, bệnh viện đã có những hướng dẫn để giúp phụ huynh có thể xác nhận, nhận biết thông tin con nhập viện cấp cứu có chính xác hay không.

TS Liên chỉ dẫn, trước hết các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và làm theo các bước sau:

- Thứ nhất, tất cả các bệnh viện đều có số điện thoại đường dây nóng để liên lạc 24/24h. Phụ huynh nếu nhận được cuộc gọi con cấp cứu thì cần gọi vào số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng để xác minh. Phía bệnh viện lập tức sẽ cử người đến xác minh ngay lập tức.

- Thứ 2, trong trường hợp đến cấp cứu thì các bác sĩ vẫn luôn sẵn sàng tiến hành cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân mà không cần phải ứng tiền ngay lập tức. Thực tế nhiều trường hợp không có thân nhân đi cùng, các bác sĩ cấp cứu cho người bệnh, sau đó mới tìm cách liên hệ với người nhà.

- Thứ 3, khi có cuộc gọi hãy tỉnh táo, xin ngay số điện thoại của khoa cấp cứu, tổ chăm sóc khách hàng, đường dây nóng để kiểm tra người thân của mình... hoặc đơn giản yêu cầu bật Zalo gọi Facetime... cho tôi nhìn thấy người nhà tôi hoặc bác sĩ gần nhất ở khoa cấp cứu để hỏi tình hình.

Hãy gọi ngay đến đường dây nóng bệnh viện nơi được cho là học sinh đang cấp cứu để nhân viên bệnh viện xác minh thông tin chính xác và nhanh nhất. 

Chiêu thức lừa đảo 'con cấp cứu cần chuyển tiền ngay' đã xuất hiện ở Hà Nội: Bệnh viện hướng dẫn cách nhận biết thật hay giả - Ảnh 2
Bệnh viện cũng đã có những hướng dẫn để giúp phụ huynh có thể xác nhận, nhận biết thông tin con nhập viện cấp cứu có chính xác hay không - Ảnh minh họa: Internet

Một lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cho biết, thông thường khi có người thân cấp cứu, nhất là con trẻ đang độ tuổi học sinh mọi người đều lo lắng. Tuy nhiên, việc cấp cứu là của bác sĩ, khi đó phụ huynh hãy tin tưởng vào bác sĩ và bình tĩnh xác minh lại thông tin xem có chính xác người thân mình bị nạn thật hay không.

Nguồn xác minh có thể là gọi cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm. Hoặc đến trực tiếp bệnh viện, nhờ người thân quen gần bệnh viện nhất đến xác minh. Nếu có người lạ gọi điện báo thì cần được xem hình ảnh trực tiếp của người nhà, nhân viên y tế hoặc bảo vệ gần nhất, bởi khoa cấp cứu các bệnh viện lớn thường có bảo vệ túc trực.

Hơn nữa, thông tin gửi tài khoản nộp tiền nếu có mọi người cũng cần cảnh giác, vì các bệnh viện đều có tài khoản đứng tên bệnh viện, việc yêu cầu chuyển tiền cho một số tài khoản cá nhân là không hợp lý. “Với bác sĩ, nếu có người gặp tai nạn sẽ ưu tiên cấp cứu, cứu sống người bệnh chứ chưa cần biết thân nhân, người thân là ai. Việc con vừa bị tai nạn, có người gọi điện báo nộp tiền ngay là bất thường. Chúng tôi sẽ có thông tin hướng dẫn cụ thể trên website, fanpage bệnh viện ngay sau đây để hướng dẫn người dân tránh bị lừa đảo”, vị lãnh đạo này nói.

Lương 10 triệu đồng, đóng BHXH 1 năm, người lao động sẽ được nhận bao nhiêu tiền nếu rút BHXH một lần?

Số tiền BHXH 1 lần được tính dựa trên mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và thời gian mà người lao động đã đóng bảo hiểm.