Suốt những năm ở rể, anh Bảo luôn là chỗ dựa cho gia đình nhà vợ, đồng thời anh cũng là người mang nhiều niềm vui đặc biệt đến với 'phái đẹp' vào các dịp 3/8, 20/10...
- Con đường sa ngã của Châu Việt Cường dưới mắt người thân
- Nam thanh niên 21 tuổi nhập viện sau khi làm việc với công an
"Tôi thấy ánh mắt mẹ vợ hạnh phúc khi nhận quà từ con rể"
Tính đến nay đã hơn 6 năm anh Lê Quốc Bảo (SN 1986, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) đến nhà vợ ở rể. Anh tâm sự việc quyết định ở rể hoàn toàn xuất phát từ cái tâm, chứ không phải là để lợi dụng, và anh cảm thấy đầy tự hào chứ không như một số người nghĩ: “Ở rể là hèn”.
Không chỉ cùng gia đình vợ lo liệu mọi công việc, anh Bảo còn là người mang lại nhiều tiếng cười, niềm vui cho mọi người trong gia đình. Chưa bao giờ anh quên những ngày lễ, sinh nhật của các “người đẹp” trong gia đình. Những ngày đó anh đều có quà cho vợ, cho con và cả mẹ vợ.
“Những dịp 8/3, 20/10, nếu bố vợ được nghỉ phép về nhà, tôi và bố sẽ vào bếp tự tay nấu một bữa ăn thật ngon để cả gia đình quây quần ăn uống bên nhau. Còn nếu bố công tác không về được, một mình tôi vẫn làm vậy, quan trọng nhất là để những “người đẹp” trong gia đình cảm thấy vui”, anh Bảo chia sẻ.
Ngoài tự tay nấu một bữa cơm, anh còn có những món quà dành tặng cho mẹ vợ của mình. “Tặng quà cho vợ con là đương nhiên rồi. Nhưng mẹ vợ cũng là một người phụ nữ tuyệt vời trong gia đình, mình không thể không có quà”, anh Bảo nói.
Anh bảo cho biết thêm: “8/3 năm nào tôi cũng tặng quà cho mẹ vợ, đó là những món quà thiết thực, có thể là chiếc túi xách, ví hoặc đôi giầy..., chứ hoa chỉ mua một bó về cắm chung thôi.
Khi nhận quà từ con rể, tôi cảm nhận được ánh mắt mẹ vợ rất vui. Dù sao con rể tặng quà vẫn ý nghĩa hơn con gái trong những ngày đó mà (cười)!”.
8/3 năm nay, món quà mà anh Bảo tặng mẹ vợ vẫn là một bí mật chưa thể tiết lộ. Anh cũng vui vẻ cho rằng: “Mỗi khi anh tặng quà, thay vì nói "Cảm ơn con rể" như mọi người, mẹ vợ anh thường nói "Cảm ơn con". Nghe câu nói ấy của mẹ vợ, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc lắm”.
Bố mẹ nào cũng như nhau hết
Gia đình anh Bảo có 3 anh em trai, nhà anh cách nhà vợ không xa. Hai vợ chồng lấy nhau đã 8 năm nay và có công việc ổn định. Vợ anh làm giáo viên mầm non, anh làm nghề tổ chức sự kiện, hiện anh có hai cô công chúa đều đang học cấp I.
Thời gian đầu khi hai vợ chồng lấy nhau, anh vẫn ở nhà bố mẹ đẻ. Sau khi sinh cháu thứ 2 được khoảng 3 tháng (2 năm sau khi lập gia đình), anh Bảo bất ngờ nhận được lời đề nghị từ nhà vợ về vấn đề ở rể. Lý do là bố vợ thường xuyên đi công tác xa, mẹ vợ làm giáo viên nên những việc lớn nhỏ trong gia đình không có người quán xuyến…
Chẳng mất nhiều thời gian, anh Bảo đồng ý với lời đề nghị trên, khi đó anh nghĩ rất đơn giản: “Bố mẹ vợ cũng như bố mẹ mình, mình về nhà vợ ở lo lắng cho nhà vợ thì có gì là sai”. Vậy là từ đó đến nay, anh Bảo ở rể nhà vợ, cuộc sống ngày qua ngày cứ êm đềm trôi qua và anh cũng không nhận được bất kể lời dèm pha nào từ 2 bên gia đình, cũng như hàng xóm láng giềng.
“Quan điểm của tôi là nhà vợ cũng như nhà mình, khi có việc cả 2 vợ chồng cùng lo liệu chứ không phải lấy chồng là phải lo việc nhà chồng, còn việc nhà vợ chỉ có cỗ mới về để ăn”, anh Bảo chia sẻ.
Qua 6 năm ở rể nhà vợ, anh Bảo chiêm nghiệm ra rằng dù sống ở bất cứ đâu, trước hết hãy sống tốt với chính những người thân, những người xung quanh mình chứ không nên phân biệt.
“Hiện tôi cũng có 2 con gái, chẳng biết sau này có con trai không. Nhưng trong một viễn cảnh nào đó, biết đâu lại có một chàng trai sau này đến nhà ở rể tiếp thì sao”, anh Bảo vừa nói vừa cười.