Chính vì việc thể hiện thái độ của mình, nên bài viết của vị CEO người Nhật với nội dung coi thường shipper Việt trong cửa hàng Starbucks đã nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực của cộng đồng mạng.
- Sợ cảnh shipper rơi nước mắt, ăn đồ bị khách "bom", quán tung chiêu cực độc
- Cuộc sống của mẹ nữ sinh ship gà ở Điện Biên trước khi bắt
Từ lâu lắm rồi, Nhật Bản luôn được mọi người trên thế giới đánh giá cao về cách hành xử văn minh trong đời sống, cho đến sự kỷ luật trong công việc. Ấy thế, có vẻ như câu nói "ở đâu cũng có người này người kia" áp dụng đúng với cả xã hội Nhật vì thi thoảng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ: người Nhật cư xử tồi tệ, kém văn minh, thậm chí là coi thường người khác.
Không nói đâu xa, điển hình như mới đây, một doanh nhân người Nhật có tên K.H - hiện đang là CEO sáng lập và điều hành một công ty công nghệ tại Việt Nam đã có đôi dòng khiến người dùng mạng ở khắp nơi trên thế giới cảm thấy tức giận, khi anh bày tỏ thái độ xấu của mình với những người làm nghề shipper giao hàng ngay tại Hà Nội. K.H viết trên trang cá nhân Twitter như sau:
"Starbucks ở Hà Nội gần đây có nhiều tài xế Grabfood với bộ dạng bẩn bẩn thường xuyên lui tới. Định hướng về không gian thư giãn của Starbucks đang dần bị phá vỡ. Phía cửa hàng nên xem thế nào đi thì hơn. Nó chẳng còn là một không gian thư giãn hướng đến sự cao cấp, thanh lịch đồng nhất trên toàn cầu mà bản thân Starbucks đã xây dựng".
Quả thật, đường đường là một doanh nhân thành đạt, K.H lại không thể thấu hiểu được nghề nghiệp của người khác. Shipper đến Starbucks suy cho cùng cũng chỉ là những người mua đồ uống cho khách xong rồi đi giao ngay, họ chẳng hại ai, cũng chẳng ngồi đó lâu đủ để khiến người khác khó chịu. Trong trường hợp dù cho họ có ngồi ở đó, thưởng thức cốc cà phê do mình bỏ tiền ra mua, thì K.H hoàn toàn không có quyền yêu cầu Starbucks đuổi khách đi với lý do… bẩn bẩn.
Trong công ty có thể K.H là CEO, là sếp được hàng ngàn nhân viên kính nể, nhưng khi bước vào một nơi kinh doanh ngành dịch vụ, phục vụ cho mọi đối tượng, thì K.H và những người khác đều như nhau, đều là khách hàng bỏ tiền ra mua và sử dụng dịch vụ.
Chính vì những yếu tố dễ nhìn thấy trong thái độ thô lỗ và vô duyên một cách vô cớ của K.H, nên bài viết của K.H sau khi đăng đàn được ít lâu, đã nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực của cộng đồng người dùng mạng Twitter. Hàng loạt "gạch đá" đã được ném ra khiến cho K.H phải vội chỉnh sửa trang cá nhân của mình từ công khai thành riêng tư. Tất nhiên, điều này vẫn không làm cho làn sóng phẫn nộ ngừng lại.
Đặc biệt, trong cộng đồng Twitter Nhật Bản, hành vi và thái độ của K.H cũng đã khiến không ít người Nhật cảm thấy tức giận, xấu hổ.
Tài khoản @Shigeboz nói: "Ngay cả khi ông chú kia bẩn bẩn tôi vẫn không cảm thấy khó chịu bằng "sự bẩn thỉu" này của anh".
@Tsurecure chia sẻ: "Tôi muốn đưa bạn từ Starbucks Việt Nam nổi tiếng ra toàn thế giới. Phát ngôn của bạn thật bốc mùi".
@Uerakento thắc mắc: "Một người coi thường các công việc khác, lại là CEO của công ty về công nghệ và nền tảng nguồn nhân lực toàn cầu à?".
@Uretachino bày tỏ: "Đây rõ ràng là một sự phân biệt nghề nghiệp, địa vị. Ở những nơi này, nếu trả tiền, mọi người đều bình đẳng. Không có trên dưới. Thật sự khó chịu với thái độ của anh".
@Seabmx gay gắt: "Đây có được gọi là phân biệt đối xử không nhỉ? Vậy tại sao bạn lại làm việc ở Việt Nam và thuê người Việt Nam làm việc cho bạn?".
Hiện tại, bài viết của K.H vẫn còn gây bão trên MXH Twitter, hàng loạt "gạch đá" vẫn cứ được ném ra đều đều mà chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ai cũng hy vọng, K.H sẽ sớm lên tiếng xin lỗi về những thứ mình đã nói ra. Đó không hẳn đơn thuần chỉ là cảm xúc cá nhân mà còn phản ánh phần nào về thái độ phân biệt (phân biệt nghề nghiệp, phân biệt địa vị, phân biệt tài chính, thậm chí là phân biệt chủng tộc), trong khi việc phân biệt này đã được toàn thế giới lên án và bài trừ từ lâu.
Được biết thêm, K.H sinh năm 1987, tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Nihon. Anh chàng đã du lịch đến hơn 50 nước trên thế giới và đã từng đầu quân vào các công ty tập đoàn nổi tiếng. K.H thành lập công ty riêng của mình tại Hà Nội vào năm 2019.