Từ câu chuyện chị Hòa ly hôn chồng, khó nhọc nuôi con nhờ công việc bươi rác đến câu chuyện bé Diễm được cha mẹ nuôi cưu mang, kiếm sống nhờ vào bãi rác Bến Cầu, những mảnh đời khó nhọc sẽ đi về đâu nếu bãi rác 15 năm tuổi đóng cửa?
Người phụ nữ ly hôn oằn lưng khó nhọc bên bãi rác Bến Cầu
Từng có thời, khắp các con đường lớn nhỏ của huyện Hòa Thành (Tây Ninh) nơi đâu cũng in dấu chân và tiếng rao thu mua phế liệu của chị. Chị tên là Nguyễn Thị Hòa, 47 tuổi, trú tại ấp Trường An, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
Cuộc sống khó khăn, chị chuyển từ nghề thu mua phế liệu sang công việc gắn liền với bãi rác. Bãi rác Hòa Thành huyện nhà vốn dĩ đã rất đông người dân quê kiếm sống. Chị chuyển sang bãi rác Bến Cầu ở thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu (Tây Ninh). Đi tới đâu chị cũng có những “đồng nghiệp” coi bãi rác là nguồn sống.
Nghĩ về hạnh phúc riêng, chị cũng từng có một gia đình nhỏ với người chồng ở Bình Dương. Vốn tính chịu thương chịu khó, hay làm hay làm, chị quán xuyến mọi công việc lớn nhỏ, kể cả việc lao động nuôi sống gia đình.
Nhưng người chồng đổ đốn ham chơi đã phá hỏng tất cả. Anh ta nướng bao mồ hồi công sức của chị vào những canh bạc. Cuộc sống trở nên cùng quẫn hơn khi đứa con trai ra đời. Nghèo đói và bế tắc, chị quyết định ly hôn. Chấp nhận bước ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng.
Tuy ly hôn chồng nhưng chị vẫn trọn nghĩa vẹn tình với người cha chồng già yếu. Cắm trụ tại Bình Dương, chị vừa thuê đất trồng cây thuốc nam, vừa chạy sang sớm hôm phụng dưỡng cha chồng cho đến ngày ông mất. Chị trở về quê cũ Hòa Thành.
Bên bãi rác Bến Cầu hàng ngày lượm rác, cuộc sống của chị cứ thế trôi qua. "Thằng con của em nay đã lớn đã hiểu chuyện. Nó thấy mẹ quá khổ nên nó về đây theo mẹ cùng lượm rác. Em nào chịu được như thế đâu. Con nó thương mẹ nhưng mẹ không muốn con khổ. Em tìm cho nó công việc phụ hồ ở một công trình xây dựng rồi. Giờ nó cũng ổn, em cũng yên tâm. Cha nó thấy vậy đánh tiếng muốn quay trở lại nhưng em ngán lắm rồi. Thôi sống một mình cũng vui "...Chị trải lòng trên Vietnamnet.
Một mảnh nhựa, một lon bia, một vỏ chai nước ngọt…. đôi khi là những thứ chúng ta vứt đi nhưng lại là miếng cơm manh áo của những phận đời mưu sinh từ rác.
7 số phận sống cùng bãi rác
'Đồng nghiệp nhí' với cô Hòa trong bãi rác Bến Cầu là bé Nguyễn Thị Ngọc Diễm. Bị cha mẹ đẻ bỏ rơi khi mới 18 tháng tuổi, bé may mắn được cha mẹ nuôi cưu mang và đưa vào bãi rác kiếm sống.
Quanh năm bầu bạn với rác và các cô chú trong bãi rác Bến Cầu, Diễm khá nhút nhát. Sắp đến tuổi đi học nhưng em chưa có giấy khai sinh. Người cha nuôi già yếu đôi lúc lên cơn đau tim khi đang nhặt rác. Đường đến trường của em vẫn còn lắm mịt mờ.
Không chỉ riêng chị Hòa, bé Diễm và cha mẹ nuôi, bãi rác Bến Cầu còn cưu mang những mảnh đời cơ cực, nghèo khó khác tiếp tục cuộc sống.
Mặc dù biết việc hàng ngày bươi móc trong bãi rác là độc hại, hiểm nguy nhưng để kiếm được 80.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày thì 7 mảnh đời, 7 số phận vẫn phải tiếp tục công cuộc lao động cùng bãi rác. Họ xem mùi hôi thối, độc hại của bãi rác như chuyện thường ngày người thành phố đi làm vẫn gặp phải kẹt xe và khói bụi.
Ở nơi quê nghèo, số tiền ấy sẽ đủ trang trải những bữa cơm rau qua ngày tháng và một khoản nhỏ phòng thân. Nhưng khi đổ bệnh vì phải làm việc với những nguồn độc hại hàng ngày, họ khó đảm bảo một số tiền để chữa bệnh nan y.
Con đường nào cho 7 mảnh đời tiếp tục bước đi
Trả lời báo Vietnamnet, ông Nguyễn Bá Cọng, quản lý bãi rác cho biết, từ tháng 9 năm nay, UBND thị trấn Bên Cầu quyết định đóng cửa bãi rác vì ô nhiễm. Ông nói, chúng tôi phải chấp hành thôi nhưng sống ở đây không phải chỉ có một mình chị Hòa mà còn có 6 mảnh đời khác bám theo bãi rác.
Với tuồi đời 15 năm, bãi rác Bến Cầu đã gắn liền với 7 mảnh đời sống bảo bọc nhau, không bon chen giành giật. Để tìm ra con đường mưu sinh mới quả là điều không dễ dàng với 7 mảnh đời khó nhọc.
Những người bán hàng rong ngoài phố vẫn có chỗ để ổn định kinh doanh. Những người bán báo in nay chuyển sang nghề chạy xe ôm để bớt lo chuyện cơm áo. Những mảnh đời mưu sinh từ bãi rác Bến Cầu liệu có tìm thấy con đường kiếm được miếng cơm manh áo?
“Lao động là vinh quang”. Miễn là họ cứ lao động chân chính, họ sẽ tìm thấy “lối đi ngay dưới chân mình”.