Cảnh báo chiêu lừa đảo mới lợi dụng việc chuẩn hoá thông tin thuê bao điện thoại di động

Xã hội 18/03/2023 06:37

Lợi dụng các nhà mạng đang triển khai chuẩn hoá thông tin cá nhân, các đối tượng xấu đã thực hiện các cuộc gọi mạo danh nhằm thực hiện ý đồ xấu.

Lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo

Mới đây Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã thông báo về kế hoạch triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao di động. Theo đó, các nhà mạng bắt đầu khóa 1 chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó sẽ khóa thông tin 2 chiều với những thuê bao này và sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.

Trước kế hoạch này, từ ngày 15/3 các nhà mạng đã bắt đầu triển khai chuẩn hóa thông tin cho các thuê bao chưa trùng khớp với CSDLDC.

Tuy nhiên, bên cạnh đốc thúc các nhà mạng triển khai kế hoạch, Cục Viễn thông cũng đã đưa ra cảnh báo về việc các đối tượng xấu có thể lợi dụng để thực hiện ý đồ, hành vi lừa đảo.

Cảnh báo chiêu lừa đảo mới lợi dụng việc chuẩn hoá thông tin thuê bao điện thoại di động - Ảnh 1

Trong bối cảnh các nhà mạng đang thực hiện chuẩn hóa thông tin, cần cẩn trọng các thuê bao lạ chủ động gọi tới người dùng di động, mạo danh cơ quan nhà nước đe dọa khóa SIM hòng lừa đảo.

Theo đó, mới chỉ 1 ngày sau khi các nhà mạng triển khai kế hoạch, nhiều trường hợp người dùng đã nhận cuộc gọi từ các đối tượng mạo danh Cục Viễn thông, nhân viên nhà mạng... "khóa thuê bao".

Cụ thể, người dùng sẽ nhận được một cuộc gọi tự động thông báo họ sắp bị khóa thuê bao. Sau đó yêu cầu thực hiện theo các bước. Lúc này các đối tượng lừa đảo tự nhận là nhân viên quản lý các nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa.

Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng đưa ra nhiều lời đe dọa về việc thuê bao sẽ bị khóa và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Lúc này nếu nạn nhân thực hiện theo các hướng dẫn sẽ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ tiến hành chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP của ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...

Chiêu thức lừa đảo này không mới, nhưng trong bối cảnh các nhà mạng đồng loạt thực hiện rà soát để khóa thuê bao khiến người dùng rất khó phân biệt thật giả, dễ bị mắc lừa. Kẻ xấu thường khai thác tâm lý lo lắng và nhắm vào vấn đề liên quan đến quyền lợi, luật pháp nên càng khiến cho người dùng dễ hoảng sợ và làm theo kịch bản của kẻ lừa đảo.

Cảnh báo chiêu lừa đảo mới lợi dụng việc chuẩn hoá thông tin thuê bao điện thoại di động - Ảnh 2

Trong bối cảnh nhà mạng yêu cầu chuẩn hóa thông tin, hàng loạt người dùng nhận cuộc gọi đe dọa "khóa thuê bao sau 2 giờ".

Người dùng khi nhận được những cuộc gọi như vậy cần làm gì?

Trước thực trạng lừa đảo thông qua giả mạo các cơ quan quản lý nhà nước đang rộ trở lại, các chuyên gia khuyến nghị, người dùng nên chủ động kiểm tra thuê bao điện thoại của mình đã chuẩn hóa theo quy định hay chưa để tránh mắc bẫy.

Cục Viễn thông hay các cơ quan quản lý nhà nước nói chung không thực hiện việc gọi điện tới đe người dân. Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tra cứu, trao đổi qua kênh chính thống.

Từ phía các nhà mạng cũng đưa ra khuyến cáo:

Trong thời điểm thực hiện chuyển hóa thông tin thuê bao, việc chuẩn hóa chỉ được thực hiện bởi kênh chính thức của nhà mạng.

Khách hàng cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi từ các số điện thoại lạ để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng trong quá trình thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi các nhà mạng chỉ yêu cầu người dùng ra địa điểm gần nhất để đăng ký lại thông tin chứ không tiến hành khóa trực tiếp bằng thông báo qua cuộc gọi.

Cảnh báo chiêu lừa đảo mới lợi dụng việc chuẩn hoá thông tin thuê bao điện thoại di động - Ảnh 3

Các nhà mạng chỉ yêu cầu người dùng ra địa điểm gần nhất để đăng ký lại thông tin.

Ngoài ra, việc thực hiện chuẩn hóa có thể được thực hiện thông qua trực tuyến, tuy nhiên người cũng dùng cần cẩn trọng khi truy cập vào các đường link, website. Chỉ truy cập vào các đường link, website chính thống của nhà mạng, không thông qua bất kỳ hình thức nào khác vì rất dễ có thể bị giả mạo.

Ngoài ra, quá trình chuẩn hóa không có nội dung nào cần thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Người dùng tuyệt đối không thực hiện thao tác liên quan đến chuyển tiền, đăng nhập tài khoản ngân hàng.

Cách thức kiểm tra thuê bao đã được chuẩn hóa hay chưa?

Tin nhắn từ nhà mạng

Từ ngày 15/3, các nhà mạng đã bắt đầu triển khai nhắn tin và cuộc gọi thông báo tới các thuê bao di động trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin (nhà mạng chỉ thông báo về việc thuê bao cần chuẩn hóa thông tin, không thực hiện chuẩn hóa thông tin trực tiếp qua cuộc gọi).

Các nhà mạng sẽ thực hiện nhắn tin liên tục trong 5 ngày (từ nay đến ngày 19-3), mỗi ngày ít nhất 1 lần cho các thuê bao nằm trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin. Những khách hàng nhận được tin nhắn, cuộc gọi kể trên cần nhanh chóng phối hợp thực hiện bổ sung, chuẩn hóa thông tin theo hướng dẫn.

Cảnh báo chiêu lừa đảo mới lợi dụng việc chuẩn hoá thông tin thuê bao điện thoại di động - Ảnh 4

Nhà mạng chỉ nhắn tin về việc thuê bao chưa được chuẩn hoá, không yêu cầu người dùng chuẩn hóa trực tiếp thông qua tin nhắn, cuộc gọi.

Nhắn tin đến tổng đài 1414

Trong trường hợp chưa nhận được tin nhắn thông báo từ nhà mạng nhưng muốn kiểm tra xem thông tin thuê bao di động của mình đã chuẩn xác hay chưa, người dùng có thể thực hiện theo cách dưới đây và áp dụng với mọi nhà mạng.

- Soạn tin nhắn với cú pháp tttb rồi gửi đến Tổng đài 1414 (miễn phí cước tin nhắn).

- Tổng đài 1414 sau đó sẽ phản hồi lại tin nhắn của bạn với các thông tin cá nhân bao gồm họ, tên, ngày sinh, số căn cước công dân, nơi cấp, ngày cấp… Các thông tin trên vốn trước đó bạn đã dùng để đăng ký số điện thoại di động đang sử dụng.

Nếu những thông tin do Tổng đài 1414 cung cấp chính xác với thông tin cá nhân hiện tại của bạn, nghĩa là thuê bao di động đã có thông tin chính xác và người dùng không cần phải làm gì thêm.

Nữ nhân viên phát hiện "thầy giáo dởm" gọi điện lừa phụ huynh "con đang cấp cứu"

Sự nhạy bén trong công việc của người phát hiện vụ 'thầy giáo' gọi điện lừa phụ huynh “con đang cấp cứu” đã được đơn vị ghi nhận và “thưởng nóng”.

TIN MỚI NHẤT