Khu vực lan can ở chùa Đồng - đỉnh cao nhất của dãy núi Yên Tử được xác định là nơi nữ du khách đã rơi xuống. Khoảng cách từ lan can xuống đáy vực ước tính sâu hàng trăm mét và nơi mà nữ du khách được tìm thấy có độ sâu khoảng 35 - 40m.
- Vụ người phụ nữ mắc kẹt 7 ngày ở Yên Tử: Tiếng vọng yếu ớt dưới vực sâu, ban quản lý tiết lộ 'từng có 5 người rơi xuống vách núi nhưng không ai lành lặn như thế này'
- Người phụ nữ sống sót dưới vực sâu Yên Tử 7 ngày dùng dương xỉ, lạc tiên để ăn và cầm máu: Chuyên gia nói gì?
Những ngày qua, câu chuyện về nữ du khách Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sống sót kỳ diệu sau 7 ngày ở một mình dưới vực sâu của Khu di tích, danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) đã thu hút sự chú ý và hiếu kỳ của dư luận.
Theo phóng sự của VTV, được biết, khu vực lan can ở chùa Đồng - đỉnh cao nhất của dãy núi Yên Tử được xác định là nơi nữ du khách đã rơi xuống. Khoảng cách từ lan can xuống đáy vực ước tính sâu hàng trăm mét và nơi mà nữ du khách được tìm thấy có độ sâu khoảng 35 - 40m.
Theo lời kể của bà Liên, ngày 27/4, bà đến ghé qua Yên Tử lễ chùa. Sau khi mua vé cáp treo, bà đi theo đoàn người lễ trên chùa Đồng. Lễ xong, bà lại men xuống núi, nhưng trời xuất hiện nhiều sương mù.
Đi được vài mét, bà ngồi nghỉ tại một phiến đá ven đường, bên cạnh có biển cảnh báo nguy hiểm. Lúc đứng dậy, người phụ nữ chóng mặt, ngã xuống khe núi 30m khiến ngất xỉu, đầu và lưng gối lên rễ cây. Điện thoại rơi theo xuống vực.
Mấy tiếng sau, bà Liên tỉnh dậy định trèo lên kêu cứu nhưng hai chân mắc kẹt trong khe đá, bà vật lộn mãi, rồi bám dây leo lên, nhưng dây đứt, tiếp tục bị rơi xuống. Phía dưới là vực sâu thăm thẳm, bà quyết định không mạo hiểm nữa.
Những ngày này, Yên Tử thời tiết xấu, bà gọi mãi nhưng không ai nghe thấy. May mắn người phụ nữ vẫn có chỗ trú ẩn trong vách đá kín, tìm được áo mưa cũng như các túi nylon để giữ ấm. Bà Liên cũng tìm lại được túi cơm cháy và nước mang theo bị rơi trước đó và hái lá dương xỉ, lạc tiên để ăn. Bà cũng tìm được một bình sắt và thìa để phát tín hiệu kêu cứu.
Đến sáng 3/5, ông Nguyễn Minh Thuận - nhân viên Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử khi đang tuần tra thì nghe tiếng kêu cứu. Ngay lập tức, Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử huy động lực lượng bảo vệ và cả những người đang phục vụ ở chùa Đồng để cứu người.
Một hướng đi dây xuống để xem nạn nhân có bị mắc ở lưng chừng núi không. Một hướng đi theo các vách đá, cây cối mọc chắc chắn. Ban quản lý Di tích Yên Tử đã cử người thay nhau cõng bà xuống núi, rồi đưa bà về tận gia đình.
Dẫn nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, bà Liên cho hay sở dĩ có được kỹ năng sinh tồn là do may mắn không bị chấn thương, gãy tay, chân sau khi rơi xuống vực. Ngoài ra, bà thường xuyên xem phim, các chương trình khám phá trên truyền hình và ý thức được việc phải sống sót, trở về nhà. Riêng ăn lá, củ dương xỉ do bà đọc tài liệu đông y nói cây này có thể dùng làm thuốc.
Tiếp nguồn tin từ phóng sự VTV, được biết, khu di tích danh thắng Yên Tử có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử, tâm linh và tín ngưỡng. Vì thế, du khách nào tới đây cũng đều mong mỏi được hành hương lên đỉnh non thiêng. Tuy nhiên, với địa hình cao, gió lớn, vị thế hiểm trở, du khách khi đến Yên Tử cần hết sức chú trọng vấn đề an toàn. Nhất là đối với người cao tuổi cần đi theo đoàn và người có sức khỏe đồng thời trang bị bảo hộ thật tốt.
Thông tin trên báo Lao động, theo quan sát, toàn bộ lan can sắt phía Tây Nam chùa Đồng Yên Tử – nơi xảy các vụ du khách bị rơi xuống vực sâu, trong đó có bà Liên – có các song sắt khá thưa. Chỉ cần chẳng trượt chân, du khách có thể bị lọt qua lan can và rơi xuống vực.
Ông Lê Tiến Dũng – Trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử –cho biết, sắp tới sẽ hàn thêm các song sắt toàn bộ tuyến lan can phía Tây Nam chùa Đồng.
Ông Nguyễn Minh Thuận, nhân viên Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử - người đầu tiên phát hiện tiếng kêu cứu từ dưới vực của bà Liên - cho biết: Một số du khách ham chụp ảnh nên có khi ra sát lan can, thậm chí leo ra bên ngoài để có ảnh đẹp.
Đặc biệt, theo ông Thuận, lan can cũng là ranh giới cảnh báo phía sau là vực sâu nguy hiểm.
Ngoài việc đặt các biển cảnh báo, các nhân viên của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cũng thường xuyên nhắc nhở mỗi khi có du khách đến gần khu vực lan can.
Đã có một số du khách bị rơi xuống vực sâu ở dọc tuyến lan can phía Tây Nam chùa Đồng và đều được cứu sống.