Hàng ngày Hùng ra quán ăn gần trường để giúp dọn dẹp và rửa bát thuê, cậu không xin trả bằng tiền công mà đổi bằng những bữa ăn qua ngày.
- TP.HCM: Trụ điện bất ngờ bật gốc, đổ ngang đường, người dân 'lạnh gáy' kể lại tiếng nổ 'điếng người'
- Vụ hai vợ chồng tử vong trong căn nhà đóng kín: Cạnh bên là 2 bé gái đói lả, sức khỏe yếu ớt
Em có giận bố mình, vì bố nghiện ngập như thế mà gia đình phải li tán không?
- Em không ạ, em hiểu bố vì bố rất thương em. Nhưng em tiếc vì những điều bố làm nó quá sai lầm…
Còn mẹ thì sao, em có bao giờ giận bà không?
- Em có anh à…Ngày mẹ bỏ gia đình đi, em chạy theo mẹ nhưng mẹ hất em ra. Lúc đấy mẹ nói không muốn em theo cùng vì em bị…tật nguyền. Mẹ đã làm cho em quá đau…"
Hùng nhớ như in ngày mẹ bỏ đi năm em 6 tuổi. Hai anh em khóc, chạy theo bóng mẹ khuất dần. Người bố từ đó đâm chán nản, vướng thêm rượu chè. Hùng nói cuộc sống của em "chưa bao giờ ổn".
Đi rửa bát thuê, xin ăn ngày 3 bữa
Ba năm trước, nam sinh Vi Mạnh Hùng xuống trường huyện cách nhà gần 100km để học cấp ba. Sống xa nhà, Hùng phải tự làm mọi việc và sắp xếp cuộc sống. Từ năm lớp 11, Hùng đến các quán ăn xin giúp việc để không phải lo tiền ăn mỗi ngày.
Hùng đến gặp chủ quán ăn ở gần trường để xin rửa bát, phụ việc. Thấy cậu học trò tật nguyền nên chủ quán thương cảm và đồng ý để cậu đến phụ quán. Từ đó, mỗi buổi sáng trước khi tới trường, Hùng đến quán để phụ giúp rửa bát, dọn hàng. Trưa, chiều cũng vậy, sau mỗi buổi học, cậu lại đến quán để phụ rửa bát. Hùng ra quán làm đến khoảng 19h rồi về phòng học bài tới 23h mới đi ngủ. Hùng không lấy tiền công, mà xin chủ quán cho cho ăn một ngày 3 bữa…
"Em làm không lấy tiền công mà chỉ xin ăn ở quán mỗi ngày 3 bữa. Nếu không làm thì mỗi ngày phải tốn mất 50.000 đồng tiền ăn, nên em phải ráng làm để ông bà ở nhà đỡ vất vả. Em không muốn ông bà gửi tiền ra cho em vì ông bà rất nghèo" - Hùng tâm sự.
Tuổi thơ buồn tủi của cậu lớn lên ở bản Xàn, xã Hữu Khuông (Nghệ An), một xã biệt lập giữa núi rừng bởi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Từ xã này ra huyện chưa có đường bộ, phải đi thuyền máy theo sông Nậm Nơn.
Hùng vốn khuyết tật từ nhỏ, lên 6-7 tuổi vẫn học cách đi lại tập tễnh. Bố nghiện ma túy không chăm lo gia đình, mẹ em nhìn thấy chồng như vậy, rồi nhìn con cảm thấy cuộc sống quá bế tắc, nên bỏ đi để anh em Hùng cho ông bà nội chăm sóc.
"Trong nhà thương chúng em nhất chắc chỉ có ông bà nội, ông bà là chỗ dựa cho hai anh em trong những năm tháng tuổi thơ không mẹ. May mắn ông bà đã không bỏ rơi chúng em, còn cố gắng làm lụng để cho ăn học đầy đủ".
Những ngày đi học mẫu giáo, ông bà thay nhau cõng Hùng đến trường. Con đường nắng còn đỡ cực, mưa xuống trơn trượt như đổ mỡ. Đôi chân ông bà bám chặt xuống nền đất, lưng gày gò cõng đứa cháu thơ dại đến trường.
Thời gian cứ thế trôi nhanh, ông bà đã cõng cậu bé ngày nào đó qua hết bậc tiểu học. Vào trung học, Hùng được gửi lên học ở trường bán trú trong xã, 2-3 tuần mới về một lần. Giao tiếp khó khăn, di chuyển bước thấp bước cao nhưng Hùng quyết không nghỉ học.
Mỗi lần di chuyển từ nhà ra trường cậu phải đi thuyền và đi bộ mất gần 2 giờ đồng hồ mới tới nơi.
"Tại sao em lại chọn bưng bê và rửa bát không nhận tiền công?
- Gia đình em khó khăn quá, ông bà cũng đã già rồi. Em tranh thủ đi làm công việc này để đỡ tiền ăn cho ông bà không phải gửi xuống".
Nam sinh tâm sự, động lực khiến em kiên trì theo đuổi việc học là vì ông bà. Anh em Hùng lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc của ông bà nội. Với hai anh em, ông bà giống như cha, mẹ. Thương ông bà già yếu, cuộc sống trông chờ vào mùa vụ, Hùng không muốn trở thành gánh nặng mà muốn đỡ đần gia đình.
"Nhiều lúc mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình và cơ thể không lành lặn như các bạn, em nằm khóc một mình, em xót xa cho thân phận mình, xót cho em gái, xót cho những ngày anh em không có mẹ."
Đầu lớp 11, khi mới làm việc tại quán ăn, em giấu không để ông bà biết. Rồi có người kể cho ông, ông gọi điện lo lắng chỉ sợ người ta lừa gạt em. Ông dặn Hùng cố gắng học hành, cần gì cứ bảo, ông bà sẽ cố lo cho bằng được.
Hùng còn nhớ, ngày em lên huyện học cấp 3, cách nhà gần 100km, ông bà buồn lắm vì lâu lâu mới gặp được cháu. Ông ra vườn bắt con gà làm thịt, còn bà thì dúi vào balo vài trăm nghìn tiết kiệm và luôn dặn Hùng cẩn thận kẻo rơi mất.
Đeo balo, Hùng chào ông bà rồi dặn dò em gái ở nhà ngoan rồi quay lưng đi. Cậu không nhìn lại sợ mình bật khóc…
Ước mơ học đại học để báo hiếu ông bà
"Hùng nó hiền lắm, nhiều khi quát mắng cái gì, nó cũng chỉ nhoẻn miệng cười thôi" - Thầy Đậu Xuân Việt (Chủ nhiệm lớp 12L, Trường THPT Chương Dương 1, Nghệ An) nói về người học trò mà mình thương như con.
Theo thầy Việt, tuy học lực của Hùng chỉ ở mức trung bình khá nhưng cậu rất chịu khó, cần cù tuy nhiên tiếp thu hơi chậm do yếu hệ vận động do bệnh từ nhỏ. Nói năng và đi đứng vận động đều khó khăn.
Thầy Việt hay nói với các bạn trong lớp là "Các bạn được nửa đức tính của Hùng thì các bạn học rất giỏi rồi". Trong đối nhân xử thế thì Hùng rất lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè, lễ nghĩa với ông bà.
Thầy Đậu Xuân Việt ấn tượng với cậu học sinh bị khuyết tật vận động ngay những ngày đầu nhận chủ nhiệm lớp. Hơn 15 năm trong nghề, thầy Việt chưa từng gặp học trò nào nghị lực, có ý chí vươn lên như Hùng.
Thương Hùng như con trai, thầy Việt bảo ban và định hướng cho em. Hùng cũng tin tưởng và luôn chia sẻ với thầy. Hàng tháng có tiền hỗ trợ người khuyết tật, em đều nhờ thầy giữ và chỉ dùng vào những việc cần thiết.
"Ngoài học hành, tôi hỗ trợ mọi cái liên quan đến em Hùng. Chẳng hạn như kinh tế, cần cái gì mà chưa có thầy cho mượn, ăn uống thiếu thốn xuống phòng thầy ăn cơm cùng bởi vì mình cũng ở kí túc cả.
Thằng bé cũng coi như một người ruột thịt, cứ hôm nào rảnh là nó lại chạy xuống chơi. Phòng mình hôm nào bận chưa quét, Hùng xuống quét nhà, chưa dọn gàng nó xếp lại cho".
Là giáo viên chủ nhiệm, nên những lúc ngoài giờ học trên lớp thầy Việt hay ngồi tâm sự và định hướng thời gian sau này cho Hùng. "Em siêng lắm, ăn cơm xong lên bàn ngồi học thôi".
Theo thầy đánh giá, về học tập, Hùng tốt các môn tự nhiên hơn các môn xã hội. Hai thầy trò ngồi bàn với nhau cố gắng xong tốt nghiệp, nếu thi không đỗ Đại học sẽ tạo điều kiện cho Hùng học một cái nghề ổn định.
"Đối với em, thầy là người tuyệt vời. Em biết thầy cũng là người khổ từ nhỏ nên rất hiểu hoàn cảnh của em và thương em, thầy như người cha thứ hai của em vậy" - Hùng tự hào khi nói về người thầy của mình.
Thầy giáo Nguyễn Anh Tài, người chụp những bức ảnh và quay video về Hùng cho biết mình đã đồng hành với Hùng trong gần 3 năm qua. Sau khi câu chuyện về Hùng được thầy đưa lên kênh TikTok của mình, đã có hàng chục ngàn lượt xem, bình luận bày tỏ sự cảm phục trước nghị lực và lòng hiếu thảo của Hùng. "Tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người về nghị lực sống từ tấm gương của Hùng".
Những ngày cuối cấp, không muốn ảnh hưởng đến kì thi quan trọng của đời mình, Hùng xin nghỉ tạm thời việc bưng bê ở quán ăn để tập trung vào việc ôn thi. Cậu muốn ra Hà Nội thi đỗ vào trường Đại học mà mình mơ ước. Hùng muốn sau này khi tốt nghiệp có được công việc ổn đinh, kiếm tiền quay trở về báo hiếu với ông bà và nuôi dưỡng tiếp việc học hành của người em gái đang học lớp 9…
Mong ước lớn nhất của em bây giờ là gì?
- Em mong muốn sau này công việc ổn định để giúp đỡ ông bà đỡ vất vả. Em muốn bố mẹ em quay lại với nhau để giống như bao người, bao tổ ấm khác. Ước mơ của em như thế là đủ rồi…"
(Video, ảnh: Thầy Tài Channel)