Thiếu tình thương, Thanh trầm tính, ít nói, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn. Những lúc thương cha, nhớ mẹ, em đến trước bàn thờ cha thẫn thờ khóc, rồi lục tìm lại tấm ảnh cũ của mẹ mà ôm vào lòng.
- Bị 'ma men điều khiển', người đàn ông thản nhiên cầm dao chém vợ con thương tích rồi lên giường... đi ngủ
- Góc 'con nhà người ta': Nữ sinh chuyên Ngoại ngữ trúng tuyển Đại học Harvard, áp lực vì anh trai cũng từng đỗ học bổng trường top
Theo thông tin từ Dân Trí, Nguyễn Đình Phúc Thanh (SN 2017, ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) - cháu bé có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi cha mất vì tai nạn giao thông, mấy tháng sau, mẹ cũng rời đi.
Cụ thể, gần 4 năm nay, Thanh làm việc gì cũng một mình, vì cha em qua đời do tai nạn giao thông, còn mẹ cũng bỏ đi, không chăm nuôi. Một mình em lớn lên trong cảnh thiếu lời ru của mẹ, thiếu sự chăm sóc, dỗ dành của cha.
Thiếu tình thương, Thanh trầm tính, ít nói, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn. Những lúc thương cha, nhớ mẹ, em đến trước bàn thờ cha thẫn thờ khóc, rồi lục tìm lại tấm ảnh cũ của mẹ mà ôm vào lòng. Đêm đêm, nỗi nhớ ấy bộc phát, Thanh lớn tiếng gọi mẹ, gọi cha, ông bà nội vội đến thay nhau dỗ dành.
Trong đơn ủy quyền nuôi cháu, chị P. (SN 2000, mẹ của Thanh) giãi bày, mới 19 tuổi, chị mất chồng. Ba tháng sau, cha ruột của chị cũng qua đời vì căn bệnh ung thư nên gia đình rơi vào cũng khó khăn đủ bề.
"Mới 19 tuổi, tôi lần lượt mất cha, mất chồng khiến bản thân suy sụp hoàn toàn. Tuổi đời tôi còn quá non dại, không có đủ điều kiện và khả năng nuôi con nên giao Thanh lại để ông bà nuôi nấng, dạy dỗ", đơn chị P. viết.
Nhìn về phía bàn thờ của con trai Nguyễn Đình Thiện (bố cháu Thanh), nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt đen sạm của bà Trần Thị Hoan (nội của Thanh). Người phụ nữ một đời vất vả vì con, cháu kể, nghỉ học, Thiện ở nhà phụ cha mẹ làm nương rẫy. Hai năm sau, Thiện lập gia đình cùng với P., sau đó hạ sinh cháu Thanh.
Thấy bố mẹ lớn tuổi, thường xuyên đau bệnh, còn vợ không có công ăn việc làm nên Thiện làm rẫy, chăn nuôi, cố gắng phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái. Nhưng số phận nghiệt ngã đã khiến Thiện ra đi mãi mãi ở tuổi 22.
"Hôm đó, Thiện đi gieo sạ lúa cho nhà P. ở huyện Sơn Hòa (cách nhà chừng hơn 20km). Đến tối, trên đường về nhà, Thiện chẳng may bị một thanh niên say rượu tông mạnh, khiến Thiện tử vong tại chỗ", bà Hoan nhớ lại.
Theo lời bà Hoan, con trai mất chưa được 100 ngày, con dâu đưa Thanh khi đó mới 2 tuổi sang để ông bà nuôi. Thương con, thương cháu, ông bà nội nhận nuôi, dù biết rồi đây cháu sẽ sống trong cảnh thiếu thốn cả tình cảm, lẫn vật chất vì cả ông bà tuổi đã cao, điều kiện kinh tế cũng chẳng khá giả gì.
Theo lời ông bà nội, vì người gây tai nạn cho Thiện là người đồng bào, gia đình cũng nghèo khó nên hầu như không bồi thường, hay cấp dưỡng để nuôi Thanh.
Có hoàn cảnh tương tự, hơn 6 năm qua, em Quách Thế Hiếu (SN 2011, ở Hòa Bình) cũng nương nhờ vào tình yêu thương từ ông bà và bác mà khôn lớn. Bố mất, mẹ bỏ đi, em còn không may mắc phải căn bệnh ung thư máu. Nhưng với nghị lực phi thường, trong em vẫn nung nấu niềm tin về tương lai tươi sáng.
Cụ thể, dẫn tin từ Dân Việt, năm 6 tuổi Hiếu mất bố, không được bao lâu thì mẹ em cũng bỏ đi. Không còn tình yêu thương của bố mẹ, những tưởng từng ấy bất hạnh là đã quá đau thương cho đứa trẻ vừa lên 6, càng nhói lòng hơn khi cùng năm đó, em nhận kết quả mang trong mình căn bệnh ung thư máu.
Kể từ khi ấy, Hiếu lớn lên trong vòng tay bao bọc của ông, bà nội nay đã ngoài 70 tuổi và người bác ruột. Tất cả những ký ức về bố mẹ của em giờ chỉ còn đọng lại trong tấm ảnh cưới bám bụi treo trên vách nhà. Một gia đình đúng nghĩa đối với Hiếu giờ đây quá xa xỉ, không thể với tới.
Hiếu tâm sự, em rất muốn nói chuyện với mẹ. Ban đầu, khi mới ở bệnh viện điều trị, 1 tháng trời mẹ chăm sóc em tận tình, sau đó lại biến mất. Vẫn có những cuộc gọi, tin nhắn hỏi thăm nhưng cũng thưa dần và rồi chẳng còn xuất hiện nữa.
Dưới mái nhà nhỏ cũ kỹ, những mảng sơn bong tróc, chỉ chực rơi rụng, tình yêu thương của ông bà là ánh sáng le lói cuối đường hầm, là nguồn hy vọng cuối cùng cho đứa cháu nhỏ trước những trớ trêu cuộc đời. Ông Quách Công Lập (SN 1953) kể, nhiều đêm Hiếu nhớ bố, nhớ mẹ, ông chỉ biết an ủi, vỗ về tâm hồn đã tổn thương của Hiếu.
Người dân khu vực Đồi 2, thôn Đồng Chồm ai cũng biết đến và thương xót cho hoàn cảnh của 2 ông cháu. Hình ảnh một ông cụ tóc bạc trắng, dẫn theo đứa cháu nhỏ lên Hà Nội chữa bệnh khiến ai nhìn thấy cũng nhói lòng.
Dù hai ông bà tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng tinh thần đồng hành cùng đứa cháu nhỏ chưa bao giờ vơi đi theo năm tháng. Chỉ mong có bữa cơm ăn qua ngày để cháu có sức khoẻ điều trị bệnh, mong cháu được đi học, có con chữ để thoát nghèo.