Bộ GTVT ra công điện khẩn yêu cầu các đơn vị khẩn trương có phương án ứng phó với cơn bão số 6 (Mangkhut).
- Siêu bão Mangkhut “đuổi theo” bão số 5 vào biển Đông
- Người đàn ông chở theo vợ và con nhỏ đi ‘bão’ ức hiếp cụ già vá xe bên lề đường gây bức xúc
Bộ GTVT vừa có công điện khẩn gửi các cơ quan quản lý chuyên ngành trực thuộc về việc chủ động phòng chống bão Mangkhut.
Công điện nêu rõ, theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TW, hồi 13h00 ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão Mangkhut ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 125,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philipines) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Dự kiến, khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16-17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9.
Trước tính chất phức tạp và tốc độ di chuyển nhanh của cơn bão, Bộ GTVT yêu cầu Đài thông tin Duyên hải theo dõi, cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của siêu bão để các thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm; Đồng thời, Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải VN phải bảo đảm duy trì trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
“Cục Hàng hải VN và Cục Đường thủy nội địa VN cần tiếp tục chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, chi cục và cảng vụ ĐTNĐ căn cứ tình hình thực tế, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu trong luồng lạch, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo; Yêu cầu có báo cáo cụ thể công tác chuẩn bị ứng phó trước 12 giờ bão đổ bộ vào bờ. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN chỉ đạo các nhà máy đóng tàu có biện pháp neo giữ an toàn đối với các tàu thuyền, đang sửa chữa hoặc đóng mới trên các triền đà, âu tàu, ụ tàu và các vùng nước”, Bộ GTVT chỉ đạo
Cùng đó, Cục Hàng không VN được giao nhiệm vụ theo dõi diễn biến của bão, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác an toàn bay, không cho phép máy bay cất, hạ cánh khi có tình huống xấu của thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng của bão; Chủ động phòng, chống, có biện pháp bảo vệ các công trình nhà ga, phương tiện vận tải… để hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
Tổng cục Đường bộ VN phải phối hợp với các cơ quan trực thuộc, sở GTVT các địa phương rà soát nguồn lực, chuẩn bị kịp thời cho công tác khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra trên các tuyến quốc lộ, đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất
Bộ GTVT cũng đề nghị Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ, lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước..., để cảnh báo, xử lý kịp thời nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông đường sắt.