Tiền mất đi thì có thể lấy lại được, còn người mất đi thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại, đã vậy một trong số những người được nghi là nạn nhân trong vụ 39 người chết trong container còn để lại vợ góa, con côi.
- Công an đến nhà lấy ADN các gia đình trình báo con mất tích khi sang Anh
- Mất thông tin của con khi đang ở Anh, nhiều gia đình lập bàn thờ tạm
Những ngày qua, ông Lê Minh Tuân (ở xóm Yên Hội, Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An) lòng nóng như lửa đốt, mặt mũi phờ phạc, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Ông Tuân có người con trai duy nhất là anh Lê Văn Hà (SN 1989) đã bị mất liên lạc từ 5 ngày trước sau khi thông báo vợ rằng: Đang chuẩn bị từ Pháp sang Anh rồi.
Đúng thời điểm này, giới chức Anh công bố thông tin phát hiện 39 người thiệt mạng ở trong chiếc container khiến ông Tuân càng lo lắng. Ông sợ con trai mình nằm trong số 39 người đó và ông đã lập tạm một chiếc ban thờ, kèm di ảnh con để góc nhà.
Ông nói, nếu con về được dẹp đi cũng không sao. Còn nếu con có mệnh hệ gì thì mình cũng không cảm thấy ân hận. Tất nhiên, ông luôn mong đứa con trai duy nhất của mình trở về trong nay mai.
Liên tiếp những đoàn khách tây, ta đến chia sẻ trước thông tin con trai ông Tuân bị mất tích khiến người cha già dù rất mệt nhưng chẳng được ngồi một chỗ. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi bước vào căn nhà mà trước khi đi châu Âu anh Hà cùng vợ và hai con sinh sống.
Căn nhà cấp 4 với mái ngói lụp xụp, bên trong chỉ có vài đồ dùng cần thiết. Có lẽ vật có giá trị nhất là tấm phông in ảnh cưới của anh và vợ được giữ gìn và treo trang trong ở gian giữa suốt 3 năm qua.
Tấm bạt in ảnh cưới được treo suốt 3 năm trong nhà.
Trong cuộc sống được mọi người đánh giá là nề nếp và nghiêm khắc. Ở quê, anh làm ruộng, chăn nuôi và cùng làm mộc với bố để có tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Dù chăm chỉ làm ăn, nhưng kinh tế không khấm khá lên được nên anh quyết định đi xuất khẩu lao động. Theo lời kể từ ông Tuân, các đây 3 tháng con trai ông vay tiền để đi châu Âu làm ăn. “Hành trình di chuyển của con tôi cũng chẳng dễ dàng gì, khi bay từ TP.HCM đi Mailaysia, rồi sang Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó lại bay sang Hy Lạp rồi điểm dừng chân tiếp theo là nước Pháp.
Đi đến nước nào con tôi cũng gọi điện về cho gia đình, vì thế dù di chuyển vất vả nhưng chúng tôi cũng yên tâm. Cho đến ngày 21/10 khi đang ở Pháp, Hà điện về cho vợ là chuẩn bị lên xe sang Anh rồi. Kể từ đó gia đình tôi mất liên lạc với Hà”, ông Tuân kể.
Trong nhóm đi cùng nhau có 4 người thì chỉ 3 người lên chiếc container đi được, còn 1 người bị tụt lại. Sau đó, chính người em họ này đã điện về thông báo với gia đình rằng, Hà ở trên chuyến xe container định mệnh có 39 người tử vong.
Kể đến đây, ông Hà chững lại rít một điếu thuốc lào và nhìn ra xa xăm cố ngăn những giọt nước mắt. Đúng lúc đó trong phòng tiếng trẻ nhỏ khóc thét lên, khi đó ông Tuân không thể ngăn được những giọt nước mắt của mình.
“Con của Hà đấy. Hà là con trai duy nhất của tôi, trước khi đi để lại cho vợ 2 đứa con. 1 đứa 3 tuổi, đứa còn lại còn đỏ hỏn mới hơn 1 tháng. Từ khi chào đời cháu còn chưa được nhìn thấy mặt bố. Nghĩ các cháu mà mồ côi cha thì tội quá”, ông Tuân vừa nói, vừa khóc.
Từ ngày không liên lạc được với chồng, chị Ngọc Hà (vợ anh Hà) suy sụp hoàn toàn. Bế con trên tay mà chị như người vô hồn, chị không thể ngờ chuyến đi để “đổi đời” lại có nhiều cạm bẫy, phải đánh cược cả tính mạng như vậy.
Đến thời điểm này, gia đình ông Tuân đã phải cầm cố mọi thứ có thể để có được 700 triệu cho anh Hà đi lao động ở châu Âu. Giờ đây, khi ông cũng đã già, các con anh Hà còn quá nhỏ, khoản nợ này biết bao giờ mới trả được.
“Thật sự, tôi suy sụp lắm, không biết có vượt qua được giai đoạn này không. Dù thế nào tôi cũng mong các cấp chính quyền sớm có thông tin. Nếu cháu có mất thì cũng mong được hỗ trợ đưa về quê hương an táng, để tôi hương khói cho cháu. Còn nếu cháu không có trong danh sách trên cũng thông báo để chúng tôi yên tâm, hy vọng và chờ đón ngày con trở về”, ông Tuân mong mỏi.