Bé trai bị bỏng 4 tháng vẫn chảy nước, 5 sai lầm phổ biến khi con bị bỏng bố mẹ rất hay làm

Xã hội 10/01/2023 16:40

Bệnh viện Bỏng Quốc gia đang điều trị cho bé trai 11 tuổi đã bị bỏng tới 4 tháng mà chưa khỏi. Nguyên nhân là bởi bố mẹ bé đã mắc một số sai lầm khi sơ cứu bỏng cho con.

Bị bỏng tới 4 tháng nhưng chữa đông y không khỏi

Theo thông tin từ Bệnh viện Bỏng quốc gia, bệnh nhi T.V.T. (11 tuổi, trú tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) được đưa vào viện trong tình trạng mệt nhiều, da xanh, niêm mạc nhợt, hạn chế vận động vùng cằm, cổ, chi thể.

Trước đó, bệnh nhi lấy nước lã đổ lẫn với xăng, sau đó bật lửa châm giấy đốt thì bị bùng cháy vào quần áo gây bỏng. Sau bỏng, bệnh nhi được gia đình đưa đi đắp thuốc đông y tại một cơ sở tư nhân. Sau 4 tháng điều trị tại đây, gia đình thấy bệnh nhi mệt yếu, da niêm mạc nhợt, vết thương chảy nước tiết dịch mùi hôi mới chuyển đến viện điều trị.

Bé trai bị bỏng 4 tháng vẫn chảy nước, 5 sai lầm phổ biến khi con bị bỏng bố mẹ rất hay làm - Ảnh 1
Bệnh nhi được ghép da mảnh lưới điều trị. Ảnh: Bệnh viện Bỏng quốc gia.

Bệnh nhi bị tổn thương bỏng 25% độ IV vùng cổ, thân trước, thân sau, mô hạt nhợt nhạt, phù nề, nhiều giả mạc, tiết dịch mùi hôi, còn thuốc đông y bám dính, hạn chế vận động vùng cằm, cổ, 2 nách, 2 khuỷu tay.

Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã lên kế hoạch điều trị tích cực cho bệnh nhi gồm truyền dịch, máu, huyết tương, albumin, đạm, tăng cường nuôi dưỡng, phẫu thuật cắt mô hạt xấu, ghép da.

Bệnh nhi đã được phẫu thuật 5 lần, cắt mô hạt xấu, ghép da mảnh lưới. Sau điều trị, da ghép bám tốt, bệnh nhi khỏi bệnh sau 38 ngày điều trị và được chuyển Khoa Phục hồi chức năng.

Sai lầm khi sơ cứu bỏng thường gặp

Sau khi bị bỏng, không nên để lâu mà nên sơ cứu nhanh nhất trong 15-20 phút để giảm độ sâu của bỏng. Không nên làm những việc dưới đây

Ngâm vết bỏng vào nước đá

Sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi sơ cứu vết bỏng đó là ngâm vết thương vào nước đá hay nước lạnh để giảm bớt nhiệt độ. Tuy nhiên, việc làm này khiến vùng da bị bỏng tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh dẫn đến hạ thân nhiệt, gây co mạch máu, co cơ, khiến tình trạng bỏng trở nên nặng hơn.

Chỉ nên dùng nước 16 – 20 độ là thích hợp.

Dùng kem đánh răng

Nhiều người khi bị bỏng bôi kem đánh răng lên vết thương vì nghĩ kem đánh răng sẽ làm dịu vết thương. Song, thực chất kem đánh răng có chất kiềm nhẹ, khi bôi lên vết bỏng sẽ làm tăng đau đớn.

Trong trường hợp bỏng axít, người ta dùng kem đánh răng để rửa và trung hoà axít còn dư lại. Khi bị bỏng axít, bạn phải hoà loãng nồng độ axít còn lại trên da bằng cách ngâm ngay vào nước lạnh. Sau đó, trung hoà axít còn dư trên da bằng xà phòng hoặc kem đánh răng. Bằng cách xoa nhẹ xà phòng hoặc kem đánh răng cho sủi bọt và ngấm sâu vào da rồi rửa sạch.

Đối với bỏng nước sôi, lửa, không được dùng những chất này vì nó chỉ làm tăng thêm sự đau đớn. Không nên dùng xà phòng, kem đánh răng như một thứ thuốc.

Bé trai bị bỏng 4 tháng vẫn chảy nước, 5 sai lầm phổ biến khi con bị bỏng bố mẹ rất hay làm - Ảnh 2
Không nên bôi kem đánh răng để chữa bỏng

Dùng mỡ trăn hoặc dầu cá

Nhiều lọ mỡ trăn không được tiệt trùng nên hầu hết bị ôi thiu do nhiễm vi sinh vật. Do đó, vết bỏng bị nhiễm khuẩn rất nhanh. Còn dầu cá có mùi tanh, khi bôi lên sẽ bị hôi tanh và gọi ruồi đến.

Thực ra mỡ trăn và dầu cá đều có thể chữa bỏng nhưng phải dùng đúng lúc. Chất Vitamin A trong dầu cá và mỡ trăn có tác dụng kích thích sự tái tạo tế bào biểu mô. Vì vậy, người ta thường sử dụng kết hợp với các thuốc khác tạo thành hợp chất có tác dụng như mỡ, kem.

Thuốc chỉ định cho những trường hợp bị bỏng sâu, dùng vào tuần lễ thứ ba sau khi bỏng. Không dùng mỡ trăn và dầu cá vào việc sơ cứu.

Bôi lòng đỏ trứng gà

Lòng đỏ trứng gà là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển. Khi bôi lòng đỏ trứng, vết bỏng rất nhanh bị nhiễm khuẩn. Có thể chuyển thành nhiễm nặng và nguy hiểm.

Một số nơi còn dùng các biện pháp sơ cứu lạc hậu, nguy hiểm như bôi nước mắm, bôi tương, nước tiểu, vắt nước củ chuối, củ ráy lên vết thương. Tốt nhất khi bị bỏng, bạn nên ngâm ngay vết thương vào nước lạnh, càng sớm càng tốt.

Cởi ngay quần áo

Việc cởi ngay quần áo trẻ khi bị bỏng khiến bé có thể bị lột da vùng bị bỏng. Việc làm đó làm mức độ bỏng nặng thêm và dễ gây nhiễm trùng vết bỏng. 

Chọc vết bỏng

Khoảng thời gian sau khi bị bỏng sẽ xuất hiện những bọng nước kích cỡ lớn nhỏ khác nhau khiến cơ thể khó chịu. Tuy nhiên, mọi người không nên chọc vỡ những bọng nước đó. Bởi khi vết bỏng vỡ, vi khuẩn bên ngoài sẽ dễ dàng xâm nhập gây nhiễm trùng và làm tổn thương.

Cách sơ cứu cho người bị bỏng

Bước 1: Đưa người bị nạn ra khỏi khu vực xảy ra tai nạn. Nhanh chóng đưa vùng da bị bỏng ngâm vào nước nguội, sạch để vệ sinh vết thương, tránh nhiễm trùng, sau đó xả nhẹ nước mát trong 15 phút. Điều này giúp cho vết thương dịu đi, tránh đau rát, sưng, vết bỏng cũng không ăn sâu.

Bước 2: Sử dụng gạc sạch, vô khuẩn hoặc vải nhỏ sạch để băng vùng da bị bỏng, tránh tiếp xúc bụi bẩn.

Bước 3: Nếu bỏng nhẹ và diện tích nhỏ, bạn có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà, bởi vùng da bị bỏng có khả năng tự liền. Còn đối với trường hợp bị bỏng nặng, diện tích lớn, bệnh nhân nên được sơ cứu cơ bản ban đầu rồi nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất kịp thời điều trị.

Xúc động câu chuyện phía sau về người cha khuyết tật, chạy xe ba gác đón con tan học

Sự chào đời của con trai dường như thắp sáng thêm niềm hạnh phúc và lại càng là động lực để người cha - Từ Quang Tú (36 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) tiếp tục cố gắng.

TIN MỚI NHẤT