Hàng triệu người miền Trung thấp thỏm không thể chợp mắt vì tiếng gió rít bên ngoài khung cửa, có người quá lo lắng đã ôm đồ chạy bão trong đêm.
- Chùm ảnh: Đường phố Đà Nẵng không bóng người, “nín thở” chờ bão Noru
- Thương tâm: Tìm thấy thi thể ngư dân rơi xuống biển mất tích trong lúc đưa tàu đi tránh bão
Tâm bão Noru "quần thảo" từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, gió giật cấp 13
Trung tâm khí tượng thủy văn cập nhật mới nhất về cơn bão số 4 (bão Noru) cho biết, lúc 4 giờ sáng nay 28/9, tâm bão Noru đang ở trên đất liền khu vực Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi.
Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất ở cấp 10 - 11, tức là từ 89 - 117 km/giờ, giật cấp 13, bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong sáng nay, bão Noru di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đảo Lý Sơn ghi nhận gió bão giật cấp 11 khi bão đổ bộ. Clip: Quảng Ngãi TV
Do ảnh hưởng của bão số 4: tại đảo Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 10, giật cấp 14; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Ngãi, An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Hòa có giật cấp 7; Nam Đông, Đà Nẵng có gió giật cấp 9; Trà My, An Khê có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13; Đắk Tô có gió giật cấp 6; Pleiku có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão Noru, nhiều khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi ghi nhận có mưa cực lớn.
Lượng mưa tính từ 19h ngày 27/9 đến 04h ngày 28/9 có nơi trên 220mm như: Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 306.2mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 221.2mm, Đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 381.6mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 245.4mm,…
Trao đổi với Tuổi trẻ lúc sáng sớm, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 6h sáng nay, bão số 4 (bão Noru) đã suy yếu, hiện đang ở trên khu vực phía tây tỉnh Quảng Nam.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, tiếp tục suy yếu thành ấp thấp nhiệt đới và sau đó là vùng áp thấp.
Cảnh báo thêm về mức độ nguy hiểm sau bão, ông Mai Văn Khiêm nói đêm qua bão số 4 gây mưa rất to đến rất to tại các tỉnh Trung Trung Bộ và bắc Tây Nguyên với lượng mưa phổ biển 200-300mm, có nơi trên 400mm.
"Dự báo hôm nay trong hôm nay và ngày mai ở khu vực này tiếp tục có mưa to nên nguy cơ lớn nhất lúc này là lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt là các khu vực miền núi phía Tây của Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có nguy cơ rất cao" - ông Khiêm cảnh báo.
Không ghi nhận thiệt hại về người
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trong đêm có 1 trường hợp phụ nữ trở dạ, được xe quân sự chở đến bệnh viện. Về thiệt hại tài sản, có 2 nhà tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục lại 89 trạm), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu.
Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh cũng chưa ghi nhận thiệt hại về người. Có một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh tại huyện Lý Sơn, mất điện tại 6 huyện.
Đại diện tỉnh Quảng Trị cho biết, có một số nơi gió cấp 6, giật cấp 8. Ngoài thiệt hại về lốc xoáy mà Phó Thủ tướng kiểm tra chiều qua, hiện trên địa bàn có một số cây xanh gãy đổ, chưa ghi nhận các thiệt hại khác.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên địa bàn có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 3 ngày một số nơi đã vượt 300 mm), có gió giật cấp 7 đến cấp 9. Có 1 nhà sập, 10 nhà tốc mái, và 1 người bị thương nhẹ.
Các tỉnh đều báo cáo hiện chưa có người chết do bão.
Người dân vùng tâm bão: Chưa bao giờ thấy cảnh đáng sợ vậy
Giữa đêm, tại TP Tam Kỳ gió rít liên hồi, giật tung các mái tôn của nhà dân. Anh Nguyễn Văn Long mô tả với PV VnExpress: "Bão đổ bộ, gió giật kinh khủng. Các mái tôn được chèn chống bằng nhiều bao cát song vẫn bị gió giật tung. Cảm giác ra ngoài đường là bị gió thổi bay".
Còn tại Đà Nẵng, một người dân kể lại: "Dù đã đóng kín tất cả cửa nhưng tôi vẫn nghe gió gầm rú, tôn xung quanh xóm bật liên hồi".
Chị Võ Thị Thanh Xuân (ở tổ 7, thôn An Thành 1, xã Bình An, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, mưa lớn gió mạnh khiến căn nhà dưới của gia đình chị bị sập hoàn toàn, tôn bay tứ tung. Mái nhà trên thì gió thổi hở mái tôn, chỉ cần luồng gió lớn là thổi bay.
“Căn nhà hiện bị gió thổi rung lắc liên tục, giờ chỉ còn chờ sập nữa thôi. Hiện 4 đứa trẻ, 1 người già và 2 người lớn đang ôm nhau một góc không biết đi đâu. Giờ ra khỏi nhà cũng không biết đi đâu vì xung quanh nhà hàng xóm đều đã đóng kín cửa, không mở cho mình vô được. Tôi cũng điện đứa em đến cứu hộ nhưng do mưa bão quá lớn nên chưa thể ra đường được. Giờ lo lắng lắm nhưng không biết làm sao”, chị Xuân nói với PV Thanh Niên.
Anh Phan Văn Đức (ở xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) cho biết, lúc đầu nghĩ ở nhà lỡ có chuyện gì còn hỗ trợ. Nhưng, khoảng 1 giờ ngày 28/9, mưa to, gió rít quá mạnh khiến cả nhà hoang mang, lo lắng.
“Rạng sáng phải ôm đồ đi chạy bão. Chưa bao giờ thấy cảnh đáng sợ vậy. Mưa bão khiếp thật, ôm chăm mền chạy như chạy giặc. Hiện cả nhà phải qua nhà hàng xóm ở nhở. Ở ngoài này giờ mất điện nên chỉ biết cặm cụi chạy trong đêm”, anh Đức nói.