Bác sĩ Bệnh viện Phổi lưu ý đặc biệt cách nhận biết các dấu hiệu ở phổi của F0 cách ly tại nhà

Xã hội 01/08/2021 14:47

Hiện Việt Nam đã áp dụng cách ly các trường hợp F0 không có triệu chứng và F1 tại nhà. Nhiều người dân chưa biết cách theo dõi sức khỏe với các trường hợp này, nhất là bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng khi tự cách ly.

Theo thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: "Ngoài việc đảm bảo về cơ sở vật chất, các điều kiện thực hiện cách ly nghiêm ngặt theo quy định để tránh lây nhiễm ra bên ngoài, các ca F0 cách ly tại nhà cần phải biết tự theo dõi sức khỏe của mình, theo dõi các diễn biến của cơ thể, nhận biết được nếu bệnh trở nặng để được đưa tới cơ sở y tế kịp thời".

Theo đó, các triệu chứng thông thường của người nhiễm SARS-CoV-2 là: Sốt, người mệt, đau mỏi, mất khứu giác…; nếu bệnh nhân không sốt mà bị mất khứu giác, vị giác tức là virus tấn công vào niêm mạc mũi và họng.

Để tự theo dõi, các F0 cần được chuẩn bị một số các thiết bị cần thiết như: Dụng cụ đo nhiệt độ, huyết áp, thiết bị đo bão hòa oxy ở đầu ngón tay (dễ mua, giá rẻ chỉ vài trăm nghìn đồng). Bên cạnh đó, F0 cần phải trao đổi với người giám sát, cán bộ y tế để biết cách nhận biết các dấu hiệu nặng lên như: Thế nào là khó thở, tức ngực, cách theo dõi hằng ngày...

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng hướng dẫn: Người là F0 cần theo dõi các dấu hiệu ở phổi. Nếu cảm thấy khó thở, tức ngực tức là có dấu hiệu trở nặng. Lúc này cần đo nhịp thở bằng cách đặt tay ở ngực hoặc bụng; đếm trong một phút, nếu nhịp thở cao hơn 24 lần/phút là có vấn đề. Cụ thể hơn, nếu đi lại nhanh mà khó thở là dấu hiệu trở nặng; nặng hơn nữa là không thể nói đủ câu, da xanh, môi nhợt, đầu ngón tay ngón chân nhạt, có xuất huyết dưới da cũng là dấu hiệu nhận biết bệnh nặng lên.

<a target='_blank' href='https://news.phunuvagiadinh.vn/covid-19.topic'>COVID-19</a> 1
Ảnh minh họa: Thông tấn xã Việt Nam 

Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi mắc COVID-19, bệnh nhân bị tổn thương phổi, lấp đầy phế nang rất nhanh; vì vậy người tự cách ly cần theo dõi rất kỹ nhịp thở của mình. Bệnh nhân cũng có thể tập thở bụng để lưu thông không khí trong phổi, căng giãn một cách tốt nhất. Có thể nằm sấp, nằm nghiêng sẽ giúp đỡ khó thở. Tuy nhiên, nếu có cảm giác tức ngực cần báo ngay với bác sĩ, nhân viên y tế theo dõi để được đưa vào bệnh viện kịp thời, lúc này bệnh nhân không thể tự điều trị tại nhà.

Với trường hợp nhẹ hơn, có sốt, khi nào nhiệt độ trên 38,5 độ C có thể dùng paracetamol để hạ sốt; chườm ấm để hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, người bệnh cần uống nhiều nước, có thể bổ sung nước điện giải, ăn uống điều độ, đủ chất. Để tăng sức đề kháng, các F0 tự theo dõi cũng có thể sử dụng thêm các sản phẩm, thuốc bổ sung như: Vitamin C, vitamin nhóm B...

Chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh hay tích trữ oxy tại nhà. Vì khi đã phải điều trị tức là bệnh nhân phải được đưa tới cơ sở y tế, có sự theo dõi của bác sĩ, không được tự ý điều trị tại nhà.

F0 vượt rào 'tẩu thoát' khỏi bệnh viện dã chiến ở Vĩnh Phúc 'lúc thì nói đi bộ, lúc lại bảo được một người đi xe máy chở'

Lợi dụng lúc cán bộ y tế không để ý, một bệnh nhân mắc Covid-19 đã vượt rào trốn khỏi Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc.

TIN MỚI NHẤT