Bên cạnh việc chia tài sản 'khủng', vụ án ly hôn làm tốn nhiều giấy mực của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên còn làm dư luận ngỡ ngàng với mức án phí kỷ lục hơn 80 tỉ đồng.
- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: ‘Trung Nguyên là của Qua, ý trời không ai giành được’
- Vụ ly hôn chủ cà phê Trung Nguyên: Xác định hơn 2.100 tỷ đồng ở đâu
Tuy nhiên, nếu đối chiếu với quy định của pháp luật về án phí dân sự sơ thẩm, mức án phí của vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo không cao tới mức như vậy.
Án phí gấp 10 lần quy định
Cụ thể, hội đồng xét xử xác định tổng cộng khối tài sản chung của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo gồm các bất động sản, tiền, vàng trong tài khoản ngân hàng và cổ phần ở các Công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên là 8.229 tỉ đồng.
Trên cơ sở đó, hội đồng xét xử xác định số tiền đóng án phí của các đương sự như sau: Về án phí ly hôn sơ thẩm, bà Thảo phải chịu 300.000 đồng. Án phí tài sản bà Thảo phải chịu 33,7 tỉ đồng. Án phí tài sản mà ông Vũ phải nộp là 48,7 tỉ đồng.
Trong phần quyết định, chủ tọa phiên tòa công bố: "Án phí tài sản bà Thảo phải nộp là 33,7 triệu được trừ vào số tiền tạm ứng án phí bà Thảo đã nộp gồm 241.000 đồng và 80 triệu và 805 triệu tại Cục thi hành án dân sự TP.HCM. Bà Thảo phải nộp thêm 32,6 tỉ.
Án phí tài sản ông Vũ phải nộp 48,7 triệu trừ tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1,3 tỉ. ông Vũ phải nộp tiếp 47,4 tỉ".
Tổng cộng số tiền án phí của ông Vũ và bà Thảo phải đóng theo bản án hơn 80 tỉ đồng.
Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, án phí dân sự sơ thẩm từ trên 4 tỉ đồng được tính như sau: 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỉ đồng.
Đối chiếu với quy định này, án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 8.229 tỉ đồng tranh chấp chỉ hơn 8 tỉ đồng.
Như vậy, án phí tòa án tuyên buộc các đương sự trong vụ án này nộp gấp 10 lần án phí theo quy định.
Có thể bị kháng nghị, kháng cáo
Theo luật sư Lê Trung Phát - Đoàn luật sư TP.HCM, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu án phí và lệ phí tòa án. Tại điểm a Khoản 7 Điều 27 quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm liên quan đến chia tài sản chung. Theo đó, "mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung"
Cụ thể, theo "Danh mục án phí, lệ phí tòa án" ban hành theo Nghị quyết số 326 có quy định về án phí dân sự sơ thẩm, cụ thể là tại Mục 1.3 "đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch" thì sẽ căn cứ vào giá trị tài sản để tính, theo đó đối với tài sản có giá trị từ 4 tỉ đồng trở lên, sẽ áp dụng theo công thức:
112.000.000 đồng + 0.1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng
Như vậy, trong vụ ly ông của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo, nếu tòa án xác định tổng giá trị tài sản chung của hai vợ chồng là 8.229 tỉ đồng, số tiền án phí sẽ tương ứng là: 112 triệu cộng 8.225.000.000 =8.337.000.000 (tám tỉ ba trăm ba mươi bảy triệu đồng)
Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc giải quyết hậu quả từ sai sót khi tuyên án như thế nào, một cựu kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng nếu nhận thấy bản án có sai sót nhỏ như sai chính tả, tính toán nhầm lẫn... thì hội đồng xét xử ra quyết định đính chính bản án.
Kể cả khi hội đồng xét xử tuyên án nhưng chưa phát hành bản án thì vẫn phải đính chính bản án kịp thời.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, trường hợp nếu bản án có tính sai về án phí, căn cứ điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự quy định thì Viện Kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị để tòa án cấp phúc thẩm xem xét xử lý.
Ngoài ra, nguyên đơn và bị đơn cũng có quyền kháng cáo về phần án phí.