Sau cuộc phẫu thuật của Trúc Nhi - Diệu Nhi, nhiều người không khỏi liên tưởng đến cặp song sinh Nguyễn Việt và Nguyễn Đức.
- Video cận cảnh quá trình gây mê phẫu thuật tách cặp song sinh dính liền khiến người xem xúc động
- Những ca song sinh dính liền dù không phẫu thuật tách vẫn sống sót kì diệu, có cặp vẫn kết hôn và sinh tổng cộng 21 người con
Sáng nay (15/7), tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), gần 100 y bác sĩ đã tiến hành đại phẫu tách phần cơ thể dính nhau từ vùng bụng chậu của cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi.
Sau cuộc phẫu thuật này, nhiều người không khỏi liên tưởng đến cặp song sinh Nguyễn Việt và Nguyễn Đức bởi cặp song sinh này cũng dính nhau phần bụng chậu.
Nguyễn Việt và Nguyễn Đức - cặp sinh đôi dính liền đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam
32 năm về trước, vào ngày 4/10/1988, lần đầu tiên tại Việt Nam một cuộc phẫu thuật tách rời cặp song sinh được diễn ra. Ca mổ ngày hôm đó bao gồm 70 giáo sư, bác sĩ đầu ngành của Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Sau 12 tiếng, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp và đi vào lịch sử y học Việt Nam.
Hai cậu bé Nguyễn Việt và Nguyễn Đức sinh ngày 25/2/1981 tại Kon Tum. Kể từ khi sinh ra Việt - Đức đã ở trong tình trạng dính liền vào nhau ở phần bụng, có chung hậu môn và bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân cụt.
Năm lên 6 tuổi, Việt được chẩn đoán mắc hội chứng não cấp, có thể đột tử bất cứ lúc nào. Trước nguy cơ Đức sẽ chết nếu Việt đột ngột qua đời, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) quyết định thực hiện tách rời cặp song sinh này.
Trong cuộc phẫu thuật, Việt đã nhường lại nhiều phần cơ thể cho em và sống thêm được 19 năm nhờ có hậu môn nhân tạo, thông tiểu bằng ống... Còn Đức sau đó đã được nhận vào BV Từ Dũ làm nhân viên hành chính và lấy vợ sinh hai người con khỏe mạnh.
Vậy cặp Trúc Nhi - Diệu Nhi giống và khác cặp song sinh Việt - Đức như thế nào?
32 năm về trước, vị bác sĩ chủ trì ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức là GS-BS Trần Đông A (chuyên gia cao cấp, cố vấn chuyên môn BV Nhi đồng 2). 32 năm sau, bác sĩ Đông A được mời làm trưởng ban tham vấn của ca phẫu thuật của Trúc Nhi - Diệu Nhi. Học trò của ông - TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc bệnh viện lại nối nghiệp làm trưởng kíp của ca mổ này.
Theo GS Đông A, điểm giống nhau duy nhất giữa 2 trường hợp này là cùng dính nhau phần bụng chậu.
Tuy nhiên, hai ca mổ xảy ra cách nhau 32 năm, vì thế trình độ y khoa của thế giới cũng như Việt Nam của 32 năm về trước và thời điểm hiện tại là hoàn toàn khác nhau.
Ngoài ra, Trúc Nhi - Diệu Nhi sở hữu đủ 4 chân nên có sự đối xứng, trong khi đó, Việt - Đức chỉ có 3 chân và bị chéo. Không chỉ vậy, Việt còn mắc bệnh bại não. Trong lịch sử y khoa chưa từng ghi nhận có bất kỳ cuộc phẫu thuật nào trên một bệnh nhi bại não trong nhiều giờ đồng hồ như vậy.
Cũng theo bác sĩ, ở cặp song sinh Việt Đức còn có thêm một khó khăn nữa là thời điểm diễn ra ca mổ 2 anh em này đã 8 tuổi. Lúc này các phần sụn dính vào nhau đã thành xương nên khi thực hiện việc tách rời, dự kiến hai cháu sẽ mất rất nhiều máu.
Dù vậy, GS Đông A cho biết những ca dính bụng chậu như thế này vẫn chỉ rơi vào khoảng 6% nên buộc chúng ta phải hết sức thận trọng.