Bé Nguyễn Văn An - bé trai sơ sinh bị mẹ bỏ rơi dưới hố gas, đã qua đời sau 20 ngày kiên cường chiến đấu cùng các y bác sĩ.
- Hà Nội: Bé trai sơ sinh bị mẹ bỏ rơi ngoài cánh đồng trong đêm tối được công an chăm sóc
- Bé trai bị bỏ rơi dưới hố ga tại Hà Nội: Bị kháng kháng sinh, tình hình sức khỏe chưa thể nói trước
15h ngày 8/6, người dân xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố gas bỏ hoang còn nguyên dây rốn. Thời điểm phát hiện, cháu bé bị kiến, giòi bu đầy mắt, mũi, miệng, tai và cuống rốn, không có đồ đạc gì bên người và cũng không được mặc quần áo.
Sau khi phát hiện vụ việc, người dân đã thông báo đến chính quyền địa phương, cháu bé ngay lập tức được Công an xã Thanh Mỹ cùng trạm y tế xã cấp cứu sơ qua rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Do còn cơ hội cứu chữa đôi mắt cháu bé nên các bác sĩ đã chuyển xuống bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Bà Đoàn Thị Bích, xã Thanh Mỹ - người đầu tiên phát hiện cháu bé, kể rằng trong 3 ngày nằm dưới hố gas, đứa trẻ khóc ré lên khiến bà tưởng là tiếng mèo kêu ở khu đất vắng gần nhà. Cứ khoảng 23h đêm đến 3h sáng hôm sau, tiếng kêu lại đều đặn vang lên, nhưng bà không để ý.
Cháu nội bà Bích nghi đây là tiếng trẻ sơ sinh khóc, đã lấy điện thoại ghi âm lại, rồi về đưa cho bà nghe. 2 bà cháu sau đó vội vàng đi tìm, đến khoảng 16h chiều 8/6, thì phát hiện dưới hố gas cạnh đền Mẫu một bé trai sơ sinh trong tình trạng không có quần áo mặc, 2 mắt, mũi, miệng, cơ thể đang bị giòi bọ bám dính.
Bà Bích sợ hãi trong giây lát, rồi trấn tĩnh gọi thêm người giúp đỡ. "Nhìn thằng bé nằm im, tay chân tôi bủn rủn", bà nhớ lại. Bà và mọi người cứ nghĩ đứa trẻ không thể sống sót sau 3 ngày nằm dưới hố gas, chịu cái nắng 40 độ C.
Ngày 9/6, bệnh nhi được điều trị tích cực tại khoa Sơ Sinh (tầng 2, nhà E) của bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Các bác sĩ đã tiến hành xử lý, điều trị ngay cho bé. Các dấu hiệu sinh tồn của bé hiện ổn định, may mắn cháu tự thở được không cần các dụng cụ hỗ trợ.
Với mong muốn mọi điều bình an sẽ luôn đến với cháu bé, những người cứu sống cháu trước đó đã đặt cho bé cái tên Nguyễn Văn An.
Cùng ngày, công an thị xã Sơn Tây xác định được người mẹ bỏ rơi cháu bé là P.T.T (SN 1989, trú tại Hà Tĩnh).
Người mẹ khai nhận ngày 6/6 đã đón xe buýt lên thị xã Sơn Tây chơi. Đến khoảng 23h đêm 6/6, thấy mình vỡ nước ối và trở dạ, T. đã đi một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ tự sinh cháu bé.
Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, T. đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ. Bỏ con xong, T. xoá dấu vết, rồi đi về trung tâm thành phố Hà Nội.
Tối ngày 11/6, sau hơn 2 ngày được người dân phát hiện, đưa đến viện trong tình trạng người bám đầy giòi, đặc biệt ở vùng mắt, tai, mũi và cuống rốn, tình trạng sức khoẻ cháu bé đã ổn định, phải điều trị viêm ruột và nuôi qua tĩnh mạch vì chưa thể ăn qua đường tiêu hóa. Đôi mắt của bé hé mở.
Sau một tuần điều trị tích cực - sáng 15/6, bé tiếp tục được thở máy, chăm sóc da, điều trị tình trạng nhiễm trùng máu, dùng thuốc kháng sinh. Dù bệnh nhi có tiến triển nhưng nguy cơ tái shock vẫn có thể xảy ra, nhất là đối với trẻ sơ sinh diễn biến rất khó lường.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiến hành hội chẩn với Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị tốt nhất cho bé.
Ngày 16/6, tiên lượng của bé vẫn nguy kịch, tiếp tục phải thở máy, chăm sóc da, điều trị nhiễm trùng máu. Tình trạng sốc được kiểm soát, lượng thuốc vận mạch sử dụng đã giảm song vẫn nặng.
Ngày 17/6, một người phụ nữ ở Hà Tĩnh tự xưng là "bà ngoại" tới chăm cháu bé, nhưng vì chưa đủ căn cứ chứng minh mối quan hệ huyết thống, bệnh viện chưa thể giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, thời gian qua đã có rất nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ và xin nuôi bé.
Chiều 25/6, bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết sau 17 ngày điều trị, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhi vẫn còn nặng, tiểu cầu giảm thấp, phải dùng 4 loại kháng sinh, được nuôi hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch. Khi ấy bé chưa bị suy gan, suy thận, dương tính với khuẩn gram âm nên nguy cơ suy đa tạng luôn thường trực.
Bé vẫn dùng thuốc an thần và phải thở máy. Các vết thương ngoài da đã lành, mắt và tai không bị ảnh hưởng.
13h35 chiều 29/6, bé trai qua đời do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm trùng máu. Dù các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã hội chẩn chặt chẽ với Bệnh viện Nhi Trung ương, các chuyên gia Anh quốc, nhưng bệnh quá nặng, bé đã không qua khỏi. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã quan tâm, chia sẻ với bé suốt thời gian vừa qua.