124 triệu liều vaccine phòng Coivd-19 đã về đến Việt Nam, 'Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu tiêm hết số vaccine còn lại trong tháng 11 này'

Xã hội 07/11/2021 15:21

Đến thời điểm này, trong tổng số 195 triệu liều vaccine đã có hợp đồng hay có thỏa thuận cung ứng thì 124 triệu liều đã về Việt Nam.

Theo thông tin từ Pháp Luật TP.HCM, so với thời điểm cách đây 1 tháng, trước khi thực hiện Nghị quyết 128,  số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng giảm 66,7%; số tử vong giảm 64,6%; số ca điều trị giảm 97,3%. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10-2021 vào chiều 6/11…

Cả nước đã tiêm 88 triệu liều vaccine

Theo ông Nguyễn Thanh Long, đến thời điểm này, trong tổng số 195 triệu liều vaccine đã có hợp đồng hay có thỏa thuận cung ứng thì 124 triệu liều đã về Việt Nam.

Bộ Y tế đã phân bổ cho các địa phương 109 triệu liều, số còn lại đang phân bổ tiếp. Tổng số liều đã tiêm là 88 triệu liều, tốc độ tiêm ngày 5/11 đã lên tới 2 triệu mũi tiêm.

vaccine 1
Chính Phủ thảo luận về việc phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Đối với 19 tỉnh, thành phía nam, có 27,7 triệu người trên 18 tuổi và tổng số vaccine đã phân bổ cho khu vực này là 51,7 triệu liều.

Tính chung cả 19 tỉnh thành phía Nam đã có 94,7% dân số trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1, 51,5% đã tiêm mũi 2. Bộ Y tế tiếp tục coi đây là khu vực trọng điểm để cung ứng vaccine và bảo đảm thực hiện chiến dịch tiêm chủng.

Về tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đến nay, tất cả các địa phương đều tiêm an toàn, không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, qua các chuyến thăm và làm việc tại nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa qua, cộng đồng quốc tế đánh giá cáo việc thay đổi chiến lược, tư duy phòng chống dịch của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiến nghị tiếp tục bao phủ vaccine, tạo điều kiện tối đa cho việc giao thương, đi lại giữa các vùng, các địa phương, trong đó đẩy mạnh ứng dụng tích hợp số hóa, công nghệ thông tin; thúc đẩy phục hồi kinh tế ở các địa phương, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự kiện quan trọng trong tháng 10 là kể từ ngày 11-10 chúng ta bắt đầu đổi mới tư duy, phương pháp cũng như cách tổ chức thực hiện công tác phòng chống COVID-19 sang một giai đoạn mới. "Từ chủ trương theo đuổi ‘zero-Covid’ sang chủ trương thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800...

Thủ tướng nêu rõ: Không có lựa chọn hoàn hảo mà chỉ có lựa chọn tối ưu, và sự tối ưu được chứng minh qua thực tiễn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

vaccine 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong cuộc họp chiều ngày 6/11. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Theo đó, chỗ nào phát sinh ổ sinh thì tập trung dập dịch theo đúng 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. "Nếu một tổ dân phố có dịch thì cả phường, cả xã phải lo; một phường, một xã mà bị thì cả huyện phải lo; một huyện mà bị thì cả tỉnh phải lo, một tỉnh mà bị thì cả khu vực phải lo. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng tham gia hỗ trợ các địa phương", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề cập cụ thể đến tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng khẳng định, có nhiều điểm tích cực. Trước hết, dịch bệnh dần được kiểm soát, thực hiện quyết liệt chính sách an sinh xã hội, chiến lược vaccine được đẩy mạnh (gồm cả nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và tiêm chủng).

Nhắc lại chuyến tham dự COP26, thăm làm việc Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng cho biết khi làm việc với lãnh đạo các cơ quan, tổ chức như AstraZeneca, chương trình COVAX thì đều nhận được cam kết sẽ tiếp tục cung cấp vaccine cho Việt Nam. "Ngay khi tới Paris, Pháp, tôi đã gặp bà Giám đốc điều hành Chương trình tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX và bà đã hứa trong tháng 11, cung cấp đủ cho chúng ta hơn 38 triệu liều", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp đang phục hồi, xuất nhập khẩu duy trì đà tăng tích cực; khắc phục được nhập siêu và trở lại xuất siêu. Giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Lạm phát được kiểm soát tốt…

Thủ tướng cho biết trong các chuyến thăm Anh, Pháp, các nhà đầu tư nước ngoài đều thể hiện tin tưởng đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với con người Việt Nam và ổn định chính trị, cho rằng khó khăn của Việt Nam là nhất thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, cần nhìn nhận rõ các rủi ro, thách thức. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, rủi ro tài khóa, nợ công, sức ép lạm phát...

Phấn đấu tiêm hết hơn 30 triệu liều vaccine trong tháng 11

Trước thách thức dịch bệnh, Thủ tướng cho rằng phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học, không chần chừ, nhất là tập trung cho các địa bàn, khu vực trọng điểm như các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

"Hiện nay chúng ta đã có hơn 120 triệu liều vaccine mà đến nay mới tiêm được 88 triệu liều, Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu tiêm hết số vaccine còn lại trong tháng 11 này", Thủ tướng chỉ đạo.

Trong kết luận, Thủ tướng cũng nêu nhiều thách thức, khó khăn cần khắc phục như cần kích thích hoạt động bán lẻ, thúc đẩy đầu tư công; doanh nghiệp còn gặp khó khăn, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm…

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tiếp tục thực hiện các mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần quản lý rủi ro và đẩy mạnh phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; giữ vững chủ quyền, lãnh thổ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Thủ tướng lưu ý, phải tăng cường năng lực y tế, nhất là về nguồn nhân lực, chăm lo an sinh xã hội cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn, sức chống chưa cao. Kết hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tạo đòn bẩy cho phục hồi kinh tế. Khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ đã được thông qua gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống tiêu cực, nhũng nhiễu, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành trong đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Để có thể tập trung mở cửa thị trường, mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh muốn vậy, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Bộ Y tế cần tổ chức chiến dịch cho các tỉnh tiêm vaccine còn chậm.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan triển khai chương trình tiêm vaccine cho học sinh, cùng với biện pháp 5K, để tiến tới mở cửa trường học với tinh thần mở cửa phải bảo đảm an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Bản tin VTV 'bóc trần' sự thật về Tịnh Thất Bồng Lai, tiết lộ số trẻ sống cùng mẹ ruột tại đây khiến nhiều người phải sốc?

Vừa qua, chương trình "Việt Nam hôm nay" của kênh VTV đã điểm qua hàng loạt sai phạm của Tịnh Thất Bồng Lai và có nhiều tiết lộ khiến dư luận xôn xao.

TIN MỚI NHẤT