Ngày thường thì chỉ cần gà được luộc chín là có thể ăn. Nhưng với gà cúng thì cần thơm ngon, da vàng óng. Dưới đây là cách luộc gà cúng không bị nứt bạn nên biết.
- Cách làm món gà hấp tỏi thơm ngon và bổ dưỡng
- Hướng dẫn làm gà rán bằng nồi chiên không dầu giòn tan
Gà luộc là món ăn phải có trong mâm cúng. Nắm được cách luộc gà cúng không bị nứt, da vàng óng, không bị đỏ xương sẽ giúp chị em tự tin trổ tài trong dịp Tết, giỗ quan trọng.
Đối với gà cúng giỗ, có thể chặt thành từng miếng để bày lên nên cách luộc vẫn có không quá phức tạp. Tuy nhiên, cách luộc gà cúng giao thừa cần yêu cầu cao hơn, gà phải nguyên con, dáng đẹp, da vàng căng bóng và thịt chín vừa. Bởi vậy, cần phải chọn gà đúng chuẩn, thật khéo tay khi tạo dáng gà và canh thời gian luộc. Cùng tham khảo vài mẹo luộc gà đẹp mắt sau đây.
1. Cách chọn gà cúng
Để luộc gà ngon, chọn gà là khâu quan trọng trước tiên. Nên chọn gà cúng là gà ta để thơm ngon, thịt dai và chắc thịt. Tuyệt đối không chọn những gà có các dấu hiệu như mắt lờ đờ, mào tím tái, chân lạnh, đầu chúi ủ rũ, chảy nước dãi, hậu môn to, có phân trắng loãng, …
Gà sống: Chọn gà trống tơ, khỏe, mào đỏ tươi, dựng, nhú đều mắt sáng. Chân gà thẳng, thon nhỏ, da chân vàng đều. Gà có phần lông sáng, bóng mượt, áp sát thân, ức đầy. Khi vạch lông, thấy da ấm mềm, xương dưới ức mềm.
Gà thịt sẵn:
Chọn gà da vàng nhạt, mỏng đều, chắc thịt, phần cổ và đùi có ít mỡ, phao câu nhỏ.
2. Cách luộc gà cúng không nứt
Chuẩn bị: 1 con gà, gừng, muối, ớt, mù tạt , hành hoa, hạt tiêu, một chậu nước đun sôi để nguội.
- Mổ gà là yếu tố đầu tiên cần lưu ý
Mua gà mổ sẵn ở chợ khiến gà cúng không được ngon. Do đó, để gà vừa tươi ngon lại ngọt nước, nên dành thời gian mổ gà tại nhà và luộc luôn.
Trước khi luộc, bạn cần đảm bảo vặt thật sạch lông gà. Cần lưu ý không dùng nước trụng gà quá nóng khi làm gà, cần thật cẩn thận khi vặt lông. Để da không bị tuột, cần miết tay theo chiều lông mọc nhẹ nhàng.
Gà để cúng nên mổ cho đẹp mắt. Sau khi làm gà, bạn xát muối cả da cho lẫn phía trong và ngoài, rửa sạch. Nếu muốn giữ nguyên con gà để thắp hương thì cần lưu ý định hình gà cho đẹp khi cho vào nồi. Dùng lạt buộc cổ giữa hai cánh gà, hai cánh xòe ra, cổ vươn cao, gập đôi chân cài vào trong bụng cho gọn.
Để khi luộc nước không bị đục, cần phải làm sạch tiết ở chỗ cắt. Xát muối lòng gà và rửa sạch để riêng cùng với tiết. Phần lòng và tiết này nên luộc sau cùng và bày cùng với gà lúc cúng.
- Chú ý nước luộc gà
Cách luộc gà cúng không bị nứt da đó là khi đặt gà vào nồi sâu lòng, cần lưu ý sao cho phần bụng hướng xuống dưới. Cho hành, gừng đập dập cùng chút muối, đổ nước ngập gà và đặt lên bếp.
Luộc gà ở mức lửa lớn. Khi nước sôi thì hạ lửa nhỏ để nước sôi từ từ. Gà sẽ chín dần, chín đều từ ngoài vào trong, da không nứt nếu cho vào nồi ngay từ khi nước còn lạnh. Không nên đun gà với lửa to sôi sùng sục vì sẽ khiến phần thịt đùi tụt lên, mất thẩm mỹ.
Nếu luộc gà đông để ngăn đá, cần rã đông hoàn toàn trước khi cho vào luộc. Gà đông lạnh luộc sẽ lâu chín hơn, phần xương thường bị đỏ, khó căn thời gian luộc nên dễ chín quá nứt da hoặc bị sống gà.
Đun cho nước sôi, cho tiết lòng vào nồi và văn lửa nhỏ đun thêm khoảng 5 phút. Sau đó, vặn nhỏ lửa xuống hết cỡ. Tắt bếp và đậy vung kín trong khoảng 20 phút.
Tùy vào trọng lượng và gà non hay già mà thời gian luộc cũng không giống nhau. Tuy nhiên, thời gian luộc trung bình mất khoảng 40 phút.
Dùng đũa, tăm chọc vào gà để xem gà chín hay chưa. Với gà luộc đã chín, đũa xuyên dễ và không bị ứa nước màu hồng.
Vớt gà ra và thả ngay vào chậu nước đun sôi để nguội hoặc nước lạnh để da gà không bị khô, xỉn màu. Khi gà đã nguội hẳn, vớt gà ra và bày lên đĩa.
Chờ cho đến khi gà ráo nước, dùng nước cốt nghệ trộn với nước mỡ gà để quét một lớp lên da gà.
Yêu cầu thành phẩm:
Gà luộc có phần da vàng bóng, căng mượt, trông rất đẹp mắt.
Cho phần lòng và tiết đã luộc chín nhét vào bụng gà. Sau đó tháo dây buộc gà, mỏ gà cho ngậm bông hoa hồng, thêm một nhúm muối sống vào đĩa. Khi đặt lên bàn thờ, để gà hướng đầu vào trong để tỏ lòng thành kính.
3. Cách buộc gà cúng đẹp nhất
Để gà cúng trông đẹp mắt, hấp dẫn hơn, bạn cần biết cách buộc để tạo dáng. Thông thường, người ta sẽ tạo dáng gà chầu, tạo dáng gà bay, tạo dáng hình cánh tiên. Có thể thực hiện một số cách buộc gà cúng giao thừa như sau:
+ Dáng gà chầu:
Rạch 2 bên cổ gà thành 2 đường và nhét cánh gà vào 2 đường này. Lưu ý sao cho phần đầu cánh thò ra khỏi miệng. Khi tiến hành cần nhẹ tay để cánh không bị gãy.
+ Dáng cánh tiên:
Phần cổ gà dựng đứng rồi ép nghiêng sang phía mình gà. Đan chéo 2 cánh gà về phía trước cho khớp chạm vào nhau và buộc cố định lại. Cứa nhẹ phần khuỷu chân và bẻ gập vào bụng. Không nên cứa mạnh vì sẽ khiến chân gà dễ bị đứt rời ra hơn.
+ Dáng gà bay:
Bẻ phần cánh lên lưng rồi buộc lại cố định bằng chỉ. Tránh buộc quá chặt vì sẽ khiến phần da gà bị rách và không được đẹp mắt.
4. Cách đặt gà cúng trên bàn thờ để không phạm
Bên cạnh nắm được cách luộc gà lễ không bị nứt, bày gà cúng, đặt gà cúng lên bàn thờ sao cho đúng là điều cũng rất quan trọng. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết cách đặt gà cúng đúng.
Gà cúng được đặt trên bàn thờ thường là gà trống thay vì gà mái. Điều này là bởi quan niệm cho rằng gà trống là cầu nối giữa con người và thế giới tâm linh. Chọn gà trống bởi mong muốn có được một năm thuận lợi, bội thu mùa màng. Đồng thời, việc đặt gà trống còn bởi mong muốn cầu cho người thân trong gia đình được mạnh mẽ, thành công, cần cù.
Cách đặt gà cúng trên bàn thờ đúng chuẩn đó là để nguyên con hoặc chặt gà ra đĩa. Khi cúng gà nguyên con bạn cần lưu ý để đầu gà hướng vào trong. Điều này là tượng trưng cho lòng thành, sự hiếu kính của cháu con.
Trên đây là chia sẻ cách luộc gà cúng không bị nứt, thơm ngon và đa dạng để bày biện lên mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ai cũng nên nằm lòng. Không quá khác biệt so với cách luộc gà thông thường, chỉ cần khéo léo và một vài chú ý. Hy vọng đây sẽ là những mẹo hữu ích sẽ giúp bạn không còn phải lo sợ trong mỗi lần luộc gà.