Bún sứa là món ăn đặc sản của nhiều tỉnh vùng biển nước ta. Mời các bạn cùng tìm hiểu cách nấu bún sứa thơm ngon như ở tiệm cho cả gia đình thưởng thức.
- Cách làm bún đậu mắm tôm thập cẩm ngon tuyệt đãi nhà nhà ngày cuối tuần
- Chán cơm ăn bún đổi bữa nhưng có 4 đối tượng không nên ăn bún kẻo có hại cho sức khỏe
Cách nấu bún sứa không hề khó như nhiều người tưởng, chỉ cần nguyên liệu tươi ngon cộng thêm một chút khéo léo, chắc chắn bạn sẽ có được một món ăn thanh ngọt, bổ dưỡng cho các thành viên trong gia đình thưởng thức.
Ngoài ra, món ăn này còn rất tốt cho những người đang mắc chứng viêm loét dạ dày, huyết áp cao, bệnh đường ruột. Để có được món bún sứa thơm ngon đúng điệu, hãy áp dụng ngay công thức bên dưới.
1. Cách nấu bún sứa ngon thơm
Chỉ với vài nguyên liệu dễ tìm cùng cách làm bún sứa đơn giản, bạn sẽ có ngay một tô bún thơm ngon và vô cùng độc đáo để thưởng thức.
+ Chuẩn bị nguyên liệu:
- Sứa: 300g (Nên chọn loại sứa có màu trắng đục, thành dày)
- Phi lê cá thu: 300g (nếu thích bạn có thể thay bằng tôm sú)
- Trứng vịt: 1 quả
Nước dùng cá: 1,5 lít
- Hành tây, hành lá, chanh, đậu phộng
- Gia vị: hạt nêm, hạt tiêu, nước mắm, dầu ăn, dầu điều, sa tế
- Giá, rau thơm, mắm ruốc Huế, salad
+ Hướng dẫn cách làm bún sứa mắm ruốc:
- Sơ chế các nguyên liệu
Đậu phộng đem rang và giã nhỏ, rau mang đi rửa sạch. Hành lá đem rửa sạch rồi thái nhỏ, cà chua bổ múi cau còn hành tây thì thái sợi.
- Chế biến chả cá:
Đem thịt nạc cá thu ướp với nửa thìa hạt tiêu, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm ngon rồi quết dẻo với đầu hành trắng. Mang chia ra thành 2 phần, 1 phần đem vo viên tròn để làm chả cá. Phần còn lại cho vào khuôn trộn cùng với lòng đỏ trứng vịt, hấp chín, sau đó để nguội và xắt miếng vừa ăn.
- Chế biến sứa:
Để nấu được nồi bún sứa thơm ngon nhất bạn nên chọn mua sứa còn nguyên miếng vì chúng sẽ ngon và dai hơn loại sứa đã cắt sẵn. Khi mua về, bạn nên ngâm sứa cùng nước cốt chanh để qua một đêm. Sau đó, xả lại nhiều lần bằng nước sạch, thái sợi, chần sơ rồi để ráo. Trong món bún sứa thì sứa nên cắt miếng to mới dễ ăn, không nên cắt nhỏ như cách trộn gỏi.
- Chế biến nước dùng:
Muốn nấu bún sứa ngon phụ thuộc rất nhiều vào nước dùng. Bí quyết là bạn hãy đun nóng 1 thìa súp dầu ăn, cho hành tỏi vào phi thơm, cho thêm màu điều, nước dùng vào nấu sôi, hớt bọt và nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Trước khi ăn, bạn nên trụng bún qua nước sôi để đảm bảo an toàn.
- Cách làm nước chấm bún sứa:
Cho 1 muỗng canh nước mắm + 1 muỗng canh tương ớt + 1 muỗng canh đường + 1 muỗng canh ớt thái lát, cho tất cả vào nồi nhỏ nấu lửa riu riu để hỗn hợp kẹo lại và để nguội.
Như vậy, các công đoạn chuẩn bị cho món bún sứa đã hoàn tất. Bây giờ, bạn hãy chuẩn bị một tô lớn và cho bún vào, sắp một ít sứa, sắp hành củ xắt lát và chả cá vào, sau đó chan nước dùng vừa ngập mặt bún là được. Món này nên dùng kèm rau giá, mắm ruốc, sa tế, chanh, ớt.
+ Yêu cầu thưởng thức món bún sứa
Một tô bún sứa đạt tiêu chuẩn thì nước dùng phải trong, hương vị đậm đà. Các miếng sứa giòn, ăn sần sật làm cho người ăn cảm thấy thích thú. Chả cá thu tươi sẽ rất thơm, dai và ngon.
Bạn nên thưởng thức tô bún sứa ngay khi nó còn nóng là ngon nhất, chắc chắn gia đình bạn sẽ nghiện món ăn này và khâm phục tài nấu bếp của bạn. Còn chần chừ gì nữa, hãy vào bếp và thực hiện món ăn này ngay.
2. Cách chế biến món nộm sứa
Sứa ngoài có thể dùng để nấu bún sứa thì nộm sứa cũng là món ăn bạn không nên bỏ lỡ bởi hương vị thanh mát, dễ ăn. Chúng tôi sẽ giới thiệu thêm đến các bạn cách chế biến món ăn này. Chỉ với vài nguyên liệu dễ kiếm cùng cách thực đơn giản, bạn sẽ có món nộm sứa giòn, ngon, dễ ăn và đảm bảo vệ sinh cho cả gia đình thưởng thức.
+ Chuẩn bị nguyên liệu:
- Sứa : 300g (nên mua sứa sơ chế sẵn sẽ giòn ngon và không tanh, ít tốn thời gian sơ chế).
- Đậu phộng: 50g
- Vừng trắng: 20g
- Hành tây: 1 củ
- Cà rốt: 1 củ
- Dưa chuột: 2 quả
- Giá đỗ: 100g
- Chanh, sả, rau húng quế, ớt
- Gia vị: Đường, bột canh, dầu vừng
+ Sơ chế nguyên liệu và tiến hành thực hiện:
Bước 1: Lấy sứa đóng gói trong túi ra vắt hết nước ra rồi để riêng thịt sứa và nước sứa ra hai bát. Nước sứa không nên đổ đi vì chúng dùng làm nước trộn sẽ rất ngon.
Bước 2: Đậu phộng rang chín và cho ra bát tách bỏ vỏ, sau đó cho vào cối giã nhỏ vừa ăn.
Bước 3: Cho vừng trắng vào chảo rang chín vàng và ra bát.
Bước 4: Cà rốt rửa sạch, gọt bỏ vỏ sau đó thái chỉ vừa ăn. Rau húng quế, giá đỗ cũng mang đi rửa sạch rồi để ráo nước. Lá chanh, sả, ớt thái nhỏ.
Bước 5: Dưa chuột rửa sạch và ngâm vào nước muối loãng để khử trùng. Sau đó, bạn tiến hành bổ đôi dưa chuột rồi tách bỏ phần hạt bên trong, thái lát mỏng.
Bước 6: Rửa sạch hành tây, thái lát mỏng rồi ngâm vào nước có pha thêm một chút giấm. Ngâm trong khoảng thời gian 15 phút thì vớt ra rổ thưa và để ráo nước.
Bước 7: Pha hỗn hợp nước trộn nộm sứa có thể áp dụng 2 cách:
- Cách 1: Dùng nước sứa làm nước trộn.
Cách 2: Nếu không muốn dùng nước sứa thì có thể pha hỗn hợp với công thức: 1/2 nước sôi + 1 thìa bột canh + 1 thìa đường + 1 thìa dầu vừng + 1 thìa nước cốt chanh, dùng đũa khuấy đều cho tan các gia vị.
Bước 8: Cho sứa đã vắt hết nước vào một chiếc bát to rồi thêm các nguyên liệu giá đỗ + cà rốt + hành tây + dưa leo + sả + rau húng quế + ớt và cuối cùng đổ phần nước trộn nộm vừa làm vào, dùng tay bóp đều các nguyên liệu và để khoảng 15 phút cho ngấm gia vị rồi múc ra đĩa.
Khi nào ăn thì rắc đậu phộng giã nhỏ cùng với vừng trắng lên nộm là có thể thưởng thức.
Với cách làm món nộm sứa giòn, ngon và tiết kiệm chi phí như thế này, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian mà vẫn có cho mâm cơm gia đình món khai vị hấp dẫn. Vậy còn chờ gì nữa, hãy bắt tay vào thực hiện ngay món nộm sứa này nhé!
>>> Xem thêm:
- Cách nấu bún cá ngừ ngon thay đổi khẩu vị hằng ngày
- Cách nấu bún riêu không cần cua ngon ngất ngây, đúng vị mà cực đơn giản
3. Công dụng sứa biển đối với sức khỏe
- Bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể: protein, chất chống oxy hóa và một số khoáng chất quan trọng khác.
- Bảo vệ tế bào cơ thể tránh khỏi stress do chứa nhiều hàm lượng selenium (là chất selen, có tác dụng chống oxy hóa và phòng chống ung thư).
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: do thịt sứa biển có chứa nhiều axit béo omega 3 và omega 6.
- Hỗ trợ trí nhớ: trong sứa còn giàu hàm lượng Choline (là chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin B), có chức năng giúp tổng hợp DNA cho não, hỗ trợ hệ thần kinh, đồng thời giúp sản xuất chất béo cho màng tế bào, hỗ trợ não xử lý thông tin tốt và giúp cải thiện trí nhớ.
- Giúp da tươi trẻ: trong sứa có nhiều collagen giúp hỗ trợ tốt việc đẩy lùi quá trình lão hóa của tế bào.
- Điều trị chứng huyết ứ gây nhiệt nổi mụn, táo bón, nhức mỏi, ho đờm.
Hy vọng bài viết trên đã giúp các chị em biết cách nấu bún sứa thơm ngon, hương vị đậm đà cho cả gia đình thưởng thức. Hãy vào bếp chế biến ngay món ăn ngon này nhé, chúc các bà nội trợ thành công với công thức này!