Học cách làm ô mai khế ngay hôm nay để cùng vào bếp với gia đình đón một năm mới 2020 thật ý nghĩa và ấm áp, bạn nhé!
- Hễ ai ăn thử món cóc ngâm chua ngọt này là xúi tôi làm để bán vì quá ngon
- Bánh khoai chiên hay bánh chuối chiên xưa lắm rồi, 2019 phải ăn bánh táo chiên mới là "healthy" nha các mẹ!
Tết này sẽ ý nghĩa hơn khi cả gia đình cùng quây quần học cách làm ô mai khế. Cái Tết hơn 10 năm trở lại đây người ta không còn hào hứng như xưa bởi nó mất đi cái “Không khí Tết” thật sự. Cái không khí ấy vốn dĩ là cảm giác nôn nao, chờ đợi, là sự chuẩn bị rộn ràng trước ngày chính thức Tết.
Cảm giác đó ngày nay thật sự vẫn còn, bạn biết tại sao tôi nói còn không? Vì vào những ngày cận Tết, sự chuẩn bị vẫn diễn ra trong gia đình bạn nhưng chỉ có mẹ và bố thực hiện chúng. Không khí đó âm thầm, không lan tỏa tạo ra “Mùi Tết” trong gia đình bởi 1 mình họ tự làm và tự cảm nhận, chẳng khác gì đón Tết 1 mình.
Năm nay chúng ta chào đón 2020 rồi, hãy hành động! Hãy làm một điều gì đó trước khi 1 cái Tết nữa trôi qua vô nghĩa và đang có nguy cơ mất dần trong cuộc sống vội vã.
Thiết thực nhất là cùng gia đình góp phần chuẩn bị những món mứt truyền thống thật ngọt ngào như tình yêu gia đình và thưởng thức chúng cùng bạn bè, người thân vào ngày Tết đúng nghĩa. Chúng ta cùng học cách làm ô mai khế để cả nhà cùng xít lại gần nhau nhé!
Cách làm ô mai khế khô
Nguyên liệu:
- Khế: 1kg
- Đường kính: 650g
- Gừng: 100g
- Muối: 1 muỗng thì cà phê
- Vôi: 2 muỗng thìa cà phê
Thực hiện:
- Bước 1: Chọn những quả khế múi dày, chua, có độ chín vừa phải. Sau đó, rửa sạch khế cắt bỏ viền bên ngoài múi, chẻ, tách riêng từng múi khế và dùng tăm nhọn xiên đều từng múi.
- Bước 2: Hòa tan vôi với 2 lít nước, đợi cặn vôi lắng xuống, gạn lấy phần nước trong. Cho khế đã sơ chế vào ngâm trong nước vôi trong 8 tiếng. Sau đó vớt ra rửa sạch để ráo nước.
- Bước 3: Dùng muỗng, cán, ép múi khế để loại bỏ nước chua trong khế ra. Lấy một cái nồi hoặc bát tô, xếp khế vào trong cứ một lớp khế thì dải một lớp đường, làm lần lượt đến khi hết.
- Bước 4: Ướp đến khi đường tan hết (tầm 3-4 tiếng) cho đường ngấm vào thịt khế thì chuẩn bị mang khế đi sên. Gừng cạo vỏ, rửa sạch và giã nhỏ.
- Bước 5: Cho khế vào nồi đun với mức lửa nhỏ, đến khi khế sôi, vớt bọt nổi phía trên và cho gừng giã nhỏ vào, thêm một chút muối để dậy hương vị và sên cho đến khí chuyển sang màu vàng nâu thì chắt hết nước trong nồi cho đến khi ráo.
- Bước 6: Xếp khế ra vỉ để khế khô hẳn. Rồi cho vào lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa bảo quản ăn dần. Vậy là xong cách làm ô mai khế khô.
Cách làm ô mai khế chua ngọt
Sau khi học cách làm ô mai khế chua ngọt, bạn sẽ có một món ăn dẻo dẻo chua chua ngọt ngọt chiêu đãi khách vào những ngày đầu năm không những thơm ngon mà còn giảm bớt cảm giác ngấy do các thức ăn mặn nhiều dầu mỡ ngày Tết nữa đấy!
Nguyên liệu:
- Khế chua: 4kg (bắt buộc là phải dùng khế chua)
- Muối trắng: 200g
- Đường vàng: 600g
- Gừng ta: 300g
- Ớt bột cánh to: 30g
Thực hiện:
- Bước 1: Đầu tiên khế chua rửa sạch để ráo nước, sau đó cắt dọc theo quả khế theo các múi (không nên cắt bỏ diềm của quả khế để tránh bị nát trong quá trình xào khế sau này).
- Bước 2: Trộn muối vào rồi để khế ngấm muối ra bớt nước chua trong khoảng 6-8h hoặc để qua đêm. Đủ thời gian ngấm muối các bạn vớt khế ra cho lên phơi nắng hoặc cho vào lò nướng sấy ở nhiệt độ 60*C cho đến khi miếng khế khô dẻo là được.
- Bước 3: Khi khế đã khô dẻo, mang khế đi rửa lại vài lần cho nhạt bớt muối, vắt thật khô rồi trộn toàn bộ số đường vào để ngấm qua 1 đêm. Hôm sau thì cho khế lên xào trên lửa nhỏ và đảo thật nhẹ tay và có thể nêm nếm lại mùi vị của ô mai khế cho vừa miệng, nổi vị chua mặn ngọt.
- Bước 4: Gừng ta rửa sạch, nướng sơ cho héo, tạo mùi thơm (chỉ nướng héo gừng, tránh không để gừng bị cháy vỏ). Sau đó giã nhỏ 1 nửa, còn 1 nửa giã dập.
- Bước 5: Khế xào đến khi bắt đầu cạn nước, hơi keo lại thì cho toàn bộ chỗ gừng giã vào xào cùng cho đến khi cạn nước và gừng bám đều vào miếng khế thì tắt bếp, để thật nguội.
- Bước 6: Khi khế nguội các bạn lấy ra 1 nửa số ô mai ra và trộn gói ớt bột vào là đã có 2 món ô mai khế cay và không cay. Sau đó cho vào lọ thủy tinh để dùng dần. Như vậy là bạn đã hoàn thành cách làm ô mai khế thứ 2 rồi đó.
Cách làm ô mai khế xào gừng
Khi thực hiện cách làm ô mai khế xào gừng thì khá mất thời gian hơn cách làm ô mai khế chua ngọt nhưng kết quả bạn nhận được rất xứng đáng với công sức bạn bỏ ra. Đây là một trong những cách làm ô mai khế tươi.
Cho một miếng ô mai khế vào miệng sẽ tan ngay với vị chua chua và nồng lên mũi chút cay cay của gừng, riêng cái hậu của nó sẽ ngọt ngọt đọng lại nơi cổ họng khiến ai đó lưu luyến! Nào, thử ngay thôi!
Nguyên liệu:
- Khế chua: 1kg
- Đường trắng: 250g
- Muối hạt: 10g
- Nước vôi trong: 1 lít
- Gừng tươi: 150g
Thực hiện:
- Bước 1: Khế chua rửa sạch, để ráo nước, tách từng múi không không cần cắt diềm để khi xào không bị nát.
- Bước 2: Ngâm khế chua vào nước vôi trong khoảng 3 tiếng để khế cứng múi rồi vớt lên để ráo nước cho 10g muối hạt vào trộn đều để khoảng 5-6 tiếng hoặc qua đêm cho ngấm muối.
- Bước 3: Các bạn vớt khế lên mang đi phơi khoảng 2-3 nắng cho khế khô bớt nước nếu không có nắng các bạn có thể dùng muỗng dày nặng ép múi khế để ra bớt nước hoặc có thể sấy đến khi khế khô dẻo, còn mềm chứ không để khô quắt lại.
- Bước 4: Đun một nồi nước rồi chần qua cho khế dẻo hơn khoảng 3 phút. Rồi cho khế chần ra rửa lại với nước lạnh cho bớt mùi vôi rồi vắt nhẹ cho khế ráo nước.
- Bước 5: Ướp khế theo tỉ lệ 1kg khế đã sơ chế với 250g đường trộn đều để ngấm đường khoảng 2-3 tiếng cho tan hết.
- Bước 6: Gừng tươi rửa sạch, cho vào bếp nướng qua cho gừng héo rồi giã nhỏ.
- Bước 7: Sau khi ướp đường xong cho toàn bộ hỗn hợp khế ướp đường vào chảo đáy rộng xào lửa nhỏ cho đến khi cạn nước đường, sau đó nêm gia vị sao cho vừa miệng.
- Bước 8: Xào cho đến khi cạn hết nước rồi vặn nhỏ lửa hết mức, xào thêm 10 phút cho đến khi miếng khế săn lại, hơi khô mặt và có độ dẻo.
- Bước 9: Cho thêm gừng đã chuẩn bị vào đảo đều cho ngấm rồi tắt bếp.
Có lẽ 3 công thức trên đã đủ để bạn trổ tài dịp xuân về rồi đấy! Bây giờ thì hãy học trước để chiêu đãi cả nhà, biết đâu sau này chính bạn sẽ dạy cách làm ô mai khế lại cho đời sau để gắn kết tình thâm giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cháu.
>>> Xem thêm:
- Cách làm chè sâm dứa phô mai thơm mát, béo ngậy giải nhiệt ngày hè
- Ngon miệng hơn nếu khoai tây nghiền phô mai được nấu theo cách này
Khoan hãy nghĩ đến tương lai, quay về với thực tại điều chúng ta cần làm ngay bây giờ là cho từng miếng ô mai khế thơm ngon vào miệng và từ từ cảm nhận vị dai dai của lớp vỏ nhưng lại dẻo dẻo bên trong và hòa tan bởi vị chua ngọt và thơm lừng của gừng không lẫn vào đâu được! Thưởng thức thành quả của chính mình sau khi thử cách làm ô mai khế đi nào!