Xuất hiện 5 ổ dịch chó dại, nguy cơ diễn biến phức tạp ở Đồng Nai

Tin y tế 29/07/2023 06:20

Chó, mèo tại các khu vực có ca bệnh hầu hết đều nuôi thả rông. Điều này khiến bệnh dại lây lan khi chó, mèo tiếp xúc, cào cấu nhau.

Cụ thể, dẫn tin từ TTXVN, ngày 28/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết đã nhận được thông báo của Chi cục Thú y vùng 4 về mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chó hoang ở ấp Bàu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Kết quả xác định mẫu xét nghiệm có virus dại.

Đây là ổ dịch chó dại thứ 5 tại Đồng Nai (ở 3 huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Nhơn Trạch) được phát hiện từ cuối năm 2022 đến nay, cùng thời gian này trên địa bàn tỉnh có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại (bị chó cắn).

Xuất hiện 5 ổ dịch chó dại, nguy cơ diễn biến phức tạp ở Đồng Nai  - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, trước đó, vào ngày 14/7, tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cũng đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân cũng không tiêm vaccine phòng dại. 

Những ân hận muộn màng, những nỗi đau day dứt theo cả một đời, đấy là tâm trạng chung của người nhà những nạn nhân đã tử vong vì chó dại cắn. Có người nghĩ rằng một vết xước nhỏ, không thể nào mắc bệnh dại, có người lại tin lời thầy lang, chữa bệnh bằng thuốc nam mà không đưa người bị chó cắn đi tiêm vaccine, vì sợ tác dụng phụ. Và họ đã phải trả giá cho sự chủ quan và thiếu hiểu biết đó bằng mạng sống của người thân.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận 43 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, miền Bắc 20 ca, miền Nam 9 ca, miền Trung 5 ca và khu vực Tây Nguyên 11 ca (Gia Lai 8 ca và Đắk Lắk 3 ca). Điều đáng nói là năm nay, số địa phương có người bị mắc bệnh dại đã tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu khiến các nạn nhân tử vong là không đi tiêm phòng sau khi bị chó mèo nghi dại cắn, cào, hoặc liếm vào vết thương hở. 

Là điều phối viên mạng lưới Một sức khỏe các trường đại học Việt Nam, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Đức Phúc, Trung tâm nghiên cứu y tế công cộng và hệ sinh thái, Trường Đại học Y tế Công cộng, đã đứng ra tổ chức rất nhiều chương trình truyền thông phòng chống bệnh dại trên cả nước. Ông Phúc cho biết: "Do nhận thức nhiều nơi người dân tiếp cận thông tin không đầy đủ, không đúng nên tỉ lệ tiêm vaccine sau khi bị chó mèo cắn là rất thấp. Một lý do nữa, nhiều nơi họ tin vào vấn đề điều trị bằng thuốc nam hoặc dùng đậu xanh nhai, rồi dùng rượu đắp vào vết thương, hoặc tin vào thầy cúng. Cũng có tâm lý sợ tiêm vaccine do sợ tác dụng phụ." 

Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gần 100%, sau nhiều năm được khống chế. Năm nay bệnh dại xuất hiện trở lại và diễn biến phức tạp. Bệnh dại nguy hiểm là vậy, ấy thế nhưng, vẫn còn nhiều người chủ quan, không tiêm phòng dại cho chó. Anh Lê Văn Thắng, ở Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), là một ví dụ. Nhà nuôi 4 con chó đã 6 tháng tuổi nhưng khi được hỏi vì sao chưa tiêm phòng cho chó, anh Thắng vẫn cho rằng, con chó còn nhỏ quá chưa thể tiêm được.

Qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương khác như tại Gia Lai, Đồng Nai, Quảng Bình,... nhiều người dân còn chủ quan với bệnh dại, khi bị chó, mèo nghi dại cắn không tiêm phòng theo hướng dẫn của ngành y tế; không tiêm phòng cho vật nuôi; tình trạng chó thả rông rất nhiều, khi ra đường không mang rọ mõm... 

Việt Nam hiện có tổng đàn chó, mèo khoảng 7 triệu con nhưng tỷ lệ các loại vật nuôi này được tiêm phòng thấp, chỉ đạt khoảng 40%. Rất ít người tự giác mang vật nuôi đến cơ sở thú y tiêm phòng. Cá biệt, có địa phương được hỗ trợ miễn phí vaccine phòng bệnh dại nhưng khi nhận được thông báo cũng chẳng mấy người mang chó, mèo đi tiêm. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Đức Phúc, nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này lo do công tác quản lý số lượng chó tiêm phòng và truyền thông chưa thực sự đồng bộ và sát sao: "Tại những địa phương có sự quyết liệt của chính quyền gần như vấn đề tử vong do bệnh dại là rất ít hoặc không có, ví dụ ở ngay Bắc Ninh, chính quyền nhìn nhận vấn đề, sẵn sàng hỗ trợ tiền vaccine để tiêm phòng cho chó, họ có cách quản lý chó như sổ sách. Còn nếu không biết được trên địa bàn có bao nhiêu con chó, bao nhiêu chó được tiêm thì như thế y tế rất khó làm việc, không kiểm soát được".

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Đức Phúc, những nơi nào chính quyền địa phương không dành sự quan tâm sát sao đến vấn đề này thì việc các bên chuyên ngành như y tế hoặc thú y, có làm công tác truyền thông vẫn sẽ không được đầy đủ, không có tính đồng bộ. Vì muốn xuống truyền thông với địa phương thì phải có sự đồng thuận với người chăn nuôi.

Sau nhiều năm được khống chế, vài năm trở lại đây, bệnh dại xuất hiện trở lại và diễn biến phức tạp. Bệnh dại tiêu tốn 800 tỉ đồng/năm chỉ riêng cho vaccine và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng và chi phí vết thương. Bệnh dại còn gây ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội và các khía cạnh khác của đời sống…

Tuy nhiên một thực tế đáng buồn khác nữa, là chỉ khi nào ở địa phương xảy ra các ổ dịch dại, liên tiếp có người tử vong do chó dại cắn người dân mới tá hoả, đổ xô đi tiêm phòng dại nhưng sau đó, khi sự việc lắng xuống, sự chủ quan lại vẫn hiện hữu. Có lẽ đã đến lúc, các cơ quan chức năng và chính quyền mỗi địa phương cần phải xem xét lại những lỗ hổng trong công tác quản lý và truyền thông về căn bệnh nguy hiểm này.

Hy hữu: Cô gái 25 tuổi thường đau lưng, đi tiểu khó, đến bệnh viện khám phát hiện có 3 quả thận

Ngày 28/7, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) thông tin, các bác sĩ của bệnh viện phối hợp cùng với chuyên gia từ tuyến trung ương về phẫu thuật cắt bỏ một thận phụ cho nữ bệnh nhân trẻ.

TIN MỚI NHẤT