Mặc dù đau mắt đỏ là bệnh lành tính, nếu được khám và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi trong vòng 1-2 tuần nhưng cũng có thể gây biến chứng viêm giác mạc, giảm 20% thị lực. Nếu bệnh nhân tự điều trị không đúng có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc và có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.
- Bị đau mắt, người đàn ông tự đi mua thuốc tây uống rồi bị mẩn ngứa, tử vong trước khi đưa tới bệnh viện
- Nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?
Theo thông tin từ VTC News, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số bệnh nhân đến khám do có biểu hiện đau mắt đỏ ngày càng tăng, không ít trường hợp gặp biến chứng do tự ý điều trị tại nhà.
Chị Hồng Vân (30 tuổi, ở Thanh Xuân) cho biết, chị có dấu hiệu đỏ cộm mắt, sau 2 tuần tự nhỏ thuốc điều trị tại nhà không đỡ chị mới đến Bệnh viện Mắt Trung ương kiểm tra.
Bác sĩ chẩn đoán chị bị đau mắt đỏ có giả mạc (màng viêm màu trắng đục bám vào mặt sau của mi mắt và chỉ nhìn thấy khi lật mi lên). Chị Vân được bác sĩ chỉ định bóc giả mạc nhưng vẫn phân vân sợ ảnh hưởng đến thị lực.
Theo chị Vân, việc bị đau mắt đỏ dẫn đến biến chứng đã ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của chị. Hiện chị vẫn điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Chị Thu Hiền (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết vừa cho con gái 3 tuổi đi học mầm non được 2 tuần thì chị phát hiện mắt con bị đỏ và hơi sưng. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận con bị đau mắt đỏ có biến chứng tổn thương giác mạc.
Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, anh Trần Trọng Hải (40 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) cho biết, cách đây một tuần, khi đón con ở trường về nhà, anh phát hiện một bên mắt của bé bị đỏ, có gỉ, khả năng con bị lây từ một số bạn ở lớp.
Anh cho con nghỉ học cách ly ở nhà. Sau vài ngày rửa nước muối sinh lý, bé khỏi đau mắt. Sau đó, đến lượt mắt anh đỏ, cộm, chảy nước. Anh Hải mua thuốc ở hiệu thuốc. Hai ngày dùng thuốc tại nhà không đỡ, mắt đỏ và đau nhức nhiều hơn nên anh Hải đến bệnh viện thăm khám. Dù chưa có kết quả thăm khám song anh rất lo lắng tình trạng mắt của anh gặp biến chứng.
Dẫn tin từ VOV, theo nhận định của các bác sĩ, mặc dù đau mắt đỏ là bệnh lành tính, nếu được khám và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi trong vòng 1-2 tuần nhưng cũng có thể gây biến chứng viêm giác mạc, giảm 20% thị lực. Nếu bệnh nhân tự điều trị không đúng có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc và có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.
TS.BS Hoàng Cương, Phó Ban Thông tin Tuyên truyền, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, hàng năm, cứ vào dịp hè nắng nóng ở những nơi đông dân cư lại xuất hiện những đợt dịch viêm kết mạc cấp do Adenovirus, thường gọi là dịch đau mắt đỏ. Bệnh có thể lây lan thành dịch.
Đỏ mắt là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như viêm kết mạc do virus, viêm kết mạc do vi khuẩn, viêm loét giác mạc… bệnh nhân không thể tự chẩn đoán được. Nguy hiểm hơn, khi chẩn đoán sai, sử dụng thuốc sai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Người bệnh không được chữa đau mắt đỏ bằng việc xông mắt bằng lá trầu không, bởi khi xông mắt bằng nước nóng lại thêm lá có tinh dầu (trầu không, bạc hà) khiến mắt dễ bị bỏng, viêm tấy lan rộng, nhiều biến chứng hơn.
Đặc biệt, khi mắc bệnh, người dân không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt tùy tiện. Nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực.
Người dân cần rửa tay nhiều lần bằng xà phòng hay nước rửa tay chuyên dụng, kiên trì đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn bệnh, rửa mắt buổi sáng và khi đi làm về, sát trùng đều đặn dụng cụ khám mắt thì dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay sẽ không còn đáng sợ.