Theo thông tin mới nhất, cả nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày hơn 3,000 ca.
- Người đàn ông 61 tuổi ho ra máu suốt 4 tuần, bác sĩ cảnh báo các căn nguyên nguy hiểm
- Bất chấp chi phí, chị em chạy đua trữ đông trứng trước tuổi 35
Cụ thể, theo Báo Người Lao Động, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 27-4 đến 16 giờ ngày 28-4, cả nước ghi nhận 3.094 ca nhiễm, tăng so với ngày trước đó và ngày thứ 6 liên tiếp số ca mắc tăng.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.557.969 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.802 ca nhiễm).Trong ngày, có thêm 763 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tổng số ca được điều trị khỏi: 10.620.576 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 62 ca, trong đó 4 thở máy xâm lấn.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.188 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trước số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin trên SGGP, đề nghị địa phương cần tăng cường giám sát dịch tễ trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài, đặc biệt là sau vài năm đại dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương, cũng như du khách nước ngoài đến nước ta sẽ gia tăng, khiến nguy cơ dịch bệnh sẽ gia tăng.
Bộ Y tế đề nghị các Viện Pastuer, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành đã được phân công tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện và ca nặng. Từ đó có dữ liệu để tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch và tiêm vaccine. Tăng cường lấy mẫu, giải trình tự gene các mẫu ca bệnh để kịp thời có các thông tin về biến thể.
Trong khi đó, TS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng thông tin trên SGGP cho biết, các biến thể của virus SARS-CoV-2 TPHCM và Hà Nội mới phát hiện đều là các biến thể phụ của chủng Omicron.
Những biến thể phụ này đã được phát hiện trước đây và lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Đến nay WHO đều đưa các biến thể phụ này vào nhóm đáng theo dõi và quan tâm nhưng không có gì mới lạ.
Hiện nay, chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh. TS Ngũ Duy Nghĩa cũng nhận định, dù dịch Covid-19 đang gia tăng ca mắc nhưng với nền tảng miễn dịch trong cộng đồng do tiêm vaccine với tỷ lệ cao nên việc bùng phát dịch lớn rất khó xảy ra và thực tế chúng ta đang kiểm soát được dịch.
“Chúng ta cũng đang thực hiện việc thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nên việc giãn cách xã hội sẽ khó xảy ra”, TS Nghĩa nhận định.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, các địa phương cũng cần tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao như nhóm người cao tuổi, nhóm di biến động, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai.
Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện, xử lý kịp thời các vi phạm, biểu dương, khen thưởng kịp thời để động viên cán bộ y tế, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.