Phụ huynh cần biết cách chuẩn bị chu đáo cho trẻ trước tiêm, trong tiêm và theo dõi sau tiêm cẩn thận theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Buôn Mê Thuột xuất hiện nhiều 'ổ dịch' lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, số ca nhiễm tăng gấp 3 lần so với tuần trước đó
- Bình Dương 'đối mặt' với hơn 800 ca dương tính Covid-19 thông qua xét nghiệm nhanh diện rộng
Theo chia sẻ thông tin từ TTXVN, vào ngày 27/10, Sở Y tế TP.HCM sẽ khởi động tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ tại Quận 1 và huyện Củ Chi. Đồng thời, trẻ em sẽ chỉ tiêm vaccine khi có sự đồng thuận của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Ngành y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chuẩn bị trước tinh thần cho trẻ bằng cách nói chuyện với trẻ trước khi đến buổi tiêm về những gì sẽ xảy ra. Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi thực hiện chủng ngừa, các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vaccine hay bất kỳ dị nguyên nào khác trước khi tiêm là rất quan trọng. Về tinh thần chung, tất cả các loại vaccine đều phải thận trọng, không riêng vaccine COVID-19.
Do đó, phụ huynh cần nói với bác sĩ về bất kỳ loại dị ứng nào mà trẻ có thể mắc để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm phòng phù hợp trong buổi khám sàng lọc. Sau khi tiêm vaccine, phụ huynh sẽ được yêu cầu ở lại trong 15–30 phút để có thể quan sát trẻ trong trường hợp trẻ bị phản ứng, dị ứng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, khi tiêm vaccine, trẻ có thể bị một số tác dụng phụ như đau, đỏ, sưng tại vị trí tiêm; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt buồn nôn... đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể trẻ đang xây dựng lớp bảo vệ. Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của trẻ nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày.
Nếu trẻ có bất kỳ cảm giác đau và khó chịu nào sau khi được tiêm phòng, phụ huynh có thể làm giảm đau và khó chịu nơi vị trí tiêm cho trẻ bằng cách đắp khăn sạch, mát và ướt lên vị trí này, kèm vận động cánh tay trẻ nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, để giảm khó chịu do sốt, hãy cho trẻ uống nhiều nước và mặc thoáng.
Đặc biệt, theo dõi trẻ nếu thấy có vết đỏ hoặc vết thương nơi tiêm trở nên nặng hơn sau 24 giờ hoặc nếu các tác dụng phụ ở trẻ khiến phụ huynh lo lắng, dường như không biến mất sau một vài ngày thì cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Do vậy, trẻ em cần theo dõi để được cấp cứu kịp thời nếu có tình huống tiêu cực nào xảy ra.