Người tiếp xúc gần (F1) đã tiêm đủ liều vaccine hoặc từng mắc COVID-19 trong vòng ba tháng được đi làm, đi học, không phải cách ly như trước.
- Hà Nội: Ghi nhận thêm hơn 19.000 ca nhiễm mới, quận Hà Đông cao nhất với 1.129 trường hợp
- Ngày 23/3, Việt Nam ghi nhận 127.883 ca mắc COVID-19, có 89.186 trường hợp trong cộng đồng
Theo Tuổi Trẻ, ngày 24/3, UBND TP.HCM có văn bản khẩn số 882/UBND-VX hướng dẫn biện pháp cách ly đối với người tiếp xúc gần (F1) đi làm, đi học.
Theo UBND TP, tình hình dịch bệnh tại TP đang được kiểm soát và hầu hết người dân trên 12 tuổi đã được tiêm vắc xin, đa số các trường hợp mắc COVID-19 không thuộc nhóm nguy cơ đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và khỏi bệnh sau đó.
Để hạn chế gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh; đi học; các hoạt động quản lý điều hành, chăm sóc y tế... do phải cách ly các trường hợp F1 theo quy định trước đây và trong khi chờ hướng dẫn mới của Bộ Y tế, UBND TP hướng dẫn các biện pháp y tế đối với F1.
Cụ thể, F1 đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã từng mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng được phép tiếp tục đi làm, đi học. Tuy nhiên phải tự theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần lần cuối với F0, thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ 5 và khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19.
Trong thời gian này, F1 di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi học tập, làm việc bằng phương tiện cá nhân, thường xuyên đeo khẩu trang; sát khuẩn tay; không dùng chung vật dụng cá nhân trong sinh hoạt, làm việc, học tập.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, F1 cũng cần tránh tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, …) trong gia đình, tại nơi làm việc, học tập. Và phải khai báo y tế trên ứng dụng PC-covid.
Theo UBND TP.HCM, việc đưa ra hướng dẫn mới này theo đề xuất trước đó của Sở Y tế TP.HCM, vì tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang được kiểm soát và hầu hết người trên 12 tuổi đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đa số các trường học mắc COVID-19 không thuộc nhóm nguy cơ đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và khỏi bệnh sau đó. Hướng dẫn mới này cũng sẽ góp phần hạn chế việc gián đoạn đối với các hoạt động của đời sống như sản xuất, kinh doanh, việc đi học của học sinh, các hoạt động quản lý điều hành, chăm sóc y tế…do phải cách ly với các trường hợp F1 như trước đây.