Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4/2023 đến nay, nhưng tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra, dẫn tới nguy cơ cao không sử dụng hết vaccine.
- Bộ Y tế bác tin đồn biến thể COVID-19 mới "độc hơn Delta gấp 5 lần"
- Xuất hiện ổ dịch Covid-19 MỚI tại trường THCS ở Quảng Ninh
Theo thông tin từ VTC News, trong công văn gửi các địa phương về triển khai tiêm chủng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, đầu tháng 2/2023, đơn vị đã phân bổ vaccine COVID-19 đợt 186 với 832.900 liều AstraZeneca có hạn sử dụng ngày 9 và 11/7/2023 cho 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc để triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Hiện, số vaccine còn tại các tuyến (chưa bao gồm 204.400 liều dự trữ tuyến quốc gia) là khoảng 300.000 liều. Tốc độ sử dụng vaccine AstraZeneca trong 8 ngày đầu tháng 4/2023 chậm với trung bình khoảng 1.040 mũi/ngày, dẫn tới nguy cơ cao không sử dụng hết vaccine.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 12/4, 6.134 liều vaccine được tiêm. Đến nay tổng số liều vaccine được tiêm là hơn 266 triệu liều. Trong đó, khoảng 51,6 triệu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm liều nhắc lại (mũi 3), đạt tỷ lệ 81%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều trên cả nước và vẫn có nhiều địa phương đạt thấp, dưới 80%.
Số liệu của Bộ Y tế ngày 10/4 cho thấy rõ tỉ lệ tiêm thấp. Cụ thể mũi 3 đạt 81,6% với tổng số 52.010.431 mũi tiêm. Trong ngày 10/4, 12 tỉnh triển khai với 1.095 người được tiêm. 5 tỉnh, thành tỷ lệ tiêm thấp gồm: Quảng Bình (65,5%), Quảng Nam (63,6%); Bình Định (65,4%); Đồng Nai (53,9%); Đồng Tháp (60,7%).
Như vậy, có thể thấy, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4/2023 đến nay, nhưng tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương báo cáo, tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác triển khai tiêm chủng. Các Sở Y tế cần chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát đối tượng tiêm chủng vaccine COVID-19 tại địa phương. Nếu cần nhu cầu bổ sung vaccine AstraZeneca trong tháng 4 đến tháng 6/2023, các địa phương phải gửi văn bản về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur trước 17/4 để tổng hợp và kịp thời cung cứng vaccine.
Đánh giá về khả năng bảo vệ của vaccine COVID-19, hiện nay, đặc tính hiệu quả của vaccine trong phòng lây nhiễm với biến thể Omciron còn hạn chế, nhưng khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc từng nhiễm bệnh hầu hết đều có miễn dịch - do vaccine hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.
Khuyến nghị mới của Bộ Y tế yêu cầu tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai), bởi nếu miễn dịch của nhóm trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong. Vì vậy, các địa phương cần rà soát, đánh giá nhu cầu tiêm vaccine và đề xuất gửi về Bộ Y tế làm cơ sở phân bổ cân đối đầy đủ vaccine.
Dẫn tin từ Tuổi Trẻ online, về việc người dân tại Hà Nội khó tìm điểm tiêm vắc xin COVID-19, do hiện các tỉnh tiếp nhận vắc xin COVID-19 theo từng đợt, hạn của vắc xin COVID-19 ngắn, trong khi đó người dân thuộc đối tượng tiêm chủng vắc xin COVID-19 và người dân đi tiêm không nhiều. Một lọ vắc xin COVID-19 AstraZeneca đóng 10 liều/lọ; đối với Pfizer là 6 liều/lọ, cần tập trung đủ người tiêm chủng mới có thể tiêm chủng. Vì vậy, Hà Nội dự trù vắc xin tiêm chủng để sử dụng hiệu quả vắc xin, tránh lãng phí.