Trong một tháng qua, số mắc Covid-19 mới trên toàn cầu tăng 80% do biến thể phụ mới EG.5 của Omicron. Bộ Y tế ra công văn chỉ đạo phòng chống dịch.
- Nổi hạch lớn ở cổ, nam thanh niên ngỡ bị ung thư, đi khám mới phát hiện hóc xương cá từ 6 tháng trước mà không hay
- Nhà xe cấp cứu lên tiếng vụ cha định đặt thi thể con vào thùng xốp đưa về quê: 16 triệu là giá hợp lý?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá biến thể phụ EG.5 Omicron thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm. Biến thể này đang lây lan ở nhiều quốc gia và có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm mới.
Cụ thể, theo số liệu của WHO, thế giới ghi nhận gần 1,5 triệu ca Covid-19 mới từ ngày 10/7 đến ngày 6/8, tăng 80% so với 28 ngày trước đó. Trong đó, số ca nhiễm ở khu vực Tây Phi tăng 137%. Một số nước như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản ghi nhận đợt dịch mới trong những tuần mùa hè gần đây.
Trong khi đó, số ca tử vong toàn cầu do Covid-19 giảm 57% xuống 2.500 ca.
WHO cho rằng, con số thực tế có thể lớn hơn. Điều này là do các nước đã giảm tỷ lệ xét nghiệm, truy vết so với giai đoạn đầu đại dịch Covid-19.
EG.5 là dòng phụ của chủng Omicron, chưa rõ độc lực hoặc khả năng kháng vaccine nhưng lây lan nhanh. Dựa trên bằng chứng hiện có, WHO cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy EG.5 gây triệu chứng nặng, rủi ro cao hơn các phiên bản khác của Omicron.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua số mắc Covid-19 vẫn duy trì ở mức thấp, dưới 100 ca mắc mới mỗi ngày.
Dù vậy, để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành.
Theo đó, các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Bộ Y tế lưu ý không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch.
Đồng thời, các đơn vị cần chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch…
Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế khi phát hiện biến thể mới.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát các thông tin của WHO về tính lây lan và độc lực của các biến thể mới, trong đó có biến thể phụ EG.5 của Omicron.
Ông cho rằng người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang ở khu vực nguy cơ, khi tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ, khử khuẩn tay thường xuyên, tiêm vaccine phòng bệnh... Đặc biệt lưu ý bảo vệ nhóm người nguy cơ cao, người có bệnh nền, người có suy giảm hệ miễn dịch…