Nuốt dị vật gây tổn thương đường tiêu hóa trong lúc ăn uống là cấp cứu thường gặp. Các dị vật phổ biến là xương cá, tăm tre, thuốc còn nguyên vỉ kẽm...
- Bác sĩ cảnh báo nguy hại khó lường từ những chất kích thích mới đang tấn công người trẻ
- Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, sản phụ mới sinh viêm gan cấp, suýt tử vong
Theo thông tin từ Dân Trí, sau bữa cơm với cá diêu hồng, người phụ nữ đau bụng dữ dội, phải đi cấp cứu trong đêm và phát hiện 3 mảnh dị vật nguy hiểm trong cơ thể.
Đó là trường hợp của chị Hồng (34 tuổi). Khai thác bệnh sử, trưa cùng ngày, chị Hồng có ăn cơm với cá diêu hồng nhưng không biết đã nuốt xương hay chưa. Đến tối, chị xuất hiện tình trạng đau bụng và ngày càng tăng dần.
Tại bệnh viện ở TPHCM, bác sĩ Hoàng Tiến Minh, khoa Cấp cứu cho biết, khi bệnh nhân nhập viện, kết quả xét nghiệm máu và siêu âm ổ bụng không phát hiện bất thường. Tuy nhiên khi chụp CT, bệnh nhân có hình ảnh một dị vật trong dạ dày và 2 dị vật ở ruột non.
Trước tình hình trên, bệnh nhân được nội soi gắp dị vật ở dạ dày ra ngoài để phòng ngừa biến chứng tổn thương thêm niêm mạc ruột, thủng ruột dẫn đến nhiễm trùng. Quá trình nội soi để thực hiện thủ thuật, bác sĩ phát hiện mảnh xương cá kích thước khoảng 0,2x3,5cm, đâm vào niêm mạc dạ dày bệnh nhân.
Ngoài ra, 2 mảnh xương khác đã đi vào ruột non nhưng không đâm vào thành ruột. Do đó, bác sĩ không thể lấy ra mà để cơ thể tự đào thải theo đường tự nhiên.
Sau khi gắp mảnh xương ra ngoài, bệnh nhân bớt đau bụng, ăn được thức ăn loãng và xuất viện sau 3 ngày điều trị.
Dẫn tin từ VnExpress, nuốt dị vật gây tổn thương đường tiêu hóa trong lúc ăn uống là cấp cứu thường gặp. Các dị vật phổ biến là xương cá, tăm tre, thuốc còn nguyên vỉ kẽm... Những trường hợp này cần được xử lý khẩn cấp, nếu không có thể để lại biến chứng như chảy máu, tạo ổ áp xe, áp xe trung thất hoặc vùng cổ, rò rỉ thực quản, tụ máu ở hầu họng, tràn mủ màng phổi, màng tim, viêm phổi, có nguy cơ tử vong.
Trường hợp không may nuốt phải dị vật, triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra và có hướng xử lý phù hợp. Tùy trường hợp, bác sĩ có thể lấy dị vật qua nội soi họng, nội soi thực quản dạ dày. Tuyệt đối không dùng mẹo dân gian như nuốt cơm, bánh mì... có thể làm dị vật mắc sâu hơn hoặc tổn thương đường tiêu hóa nhiều hơn, khiến khó xử lý.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên ăn uống cẩn thận, gỡ xương cá, xương thịt trước khi ăn. Người có triệu chứng đau tức ngực, đau bụng, sốt hoặc một số biểu hiện khác không rõ nguyên nhân cần đến bác sĩ khám và xử lý sớm, phòng ngừa biến chứng xấu có thể xảy ra.