Hàng trăm người ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai đã tìm ra nguyên nhân, trước đó có nhiều vụ việc tương tự xảy ra.
- Người phụ nữ 'mọc rêu' khắp người, bác sĩ nói: tỷ lệ 1/1.000.000 dân số
- Hội chứng siêu nữ ở bé gái là con thứ 3 của một gia đình
Hàng trăm người ngộ độc, loại nhiễm khuẩn thường gặp
Theo VnExpress mới đây, kết quả xét nghiệm mẫu phẩm liên quan đến 568 người ở Đồng Nai ngộ độc sau ăn bánh mì, dương tính với khuẩn Salmonella, E.coli; 4 mẫu thức ăn nhiễm khuẩn Salmonella.
Theo đó, phần lớn các mẫu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì Cô Băng, mẫu bệnh phẩm, mẫu phân… lấy từ các bệnh nhân có tỉ lệ nhiễm khuẩn Salmonella cao. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến chiều 6-5, toàn tỉnh có 547 bệnh nhân vào viện theo dõi và điều trị. Trong đó gần 400 trường hợp đã xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà.
Dẫn tin từ Báo Tuổi Trẻ trước đó, hàng loạt thực khách ngộ độc sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh, TP Nha Trang. Cơ quan chuyên môn đã phát hiện thêm 5 mẫu bệnh phẩm cấy từ phân của bệnh nhân trưởng thành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa dương tính với vi khuẩn Salmonella. Trước đó, Bệnh viện đa khoa Vinmec cũng đã cấy phân 2 bệnh nhi cho ra kết quả dương tính với khuẩn Salmonella.
Vào năm 2022, tại một trường học vi khuẩn này cũng khiến hơn 600 em học sinh, giáo viên phải nhập viện, trong đó có 1 ca tử vong. Tại Hội An năm 2023, vi khuẩn này cũng khiến 150 người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng.
Bệnh nguy hiểm như thế nào?
Theo Sức khỏe và Đời sống, những vi khuẩn như Campylobacter và Salmonella thường làm nhiễm bẩn thịt gia cầm tươi như thịt gà, thịt vịt trong quá trình giết mổ và vi khuẩn có thể tồn tại cho đến khi nấu nướng kỹ loại bỏ chúng.
CDC ước tính rằng vi khuẩn Salmonella gây ra nhiều bệnh do thực phẩm hơn bất kỳ loại vi khuẩn nào khác. Thịt gà là nguồn chính gây ra những căn bệnh này. Trên thực tế, cứ 25 gói thịt gà thì có khoảng 1 gói tại cửa hàng tạp hóa bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Theo VietNamNet, khuẩn Salmonella có sức đề kháng rất cao, khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài tốt, trong môi trường nước hay phân từ 2 - 3 tuần; trong nước đá từ 2 - 3 tháng. Salmonella sống được cả ở trong thực phẩm có nồng độ muối, đường cao.
Khuẩn này bị huỷ trong vòng 1 giờ ở nhiệt độ 50 độ C hoặc trong vòng 5 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Chất sát khuẩn thông thường có thể tiêu diệt khuẩn Salmonella.
Về đường lây, khuẩn này có thể lây bằng đường tiêu hóa, khi ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật nhiễm Salmonella như: Thịt (đặc biệt thịt tái, sống), sữa, trứng (gà, vịt), trai, sò, hến nấu chưa chín…; hoặc khi dùng rau sống, hoa quả, nuớc uống bị nhiễm Salmonella.
Theo Bộ Y tế, khoảng 2-20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ 2-3 tháng sau khi hết các triệu chứng.
Cùng thông tin trên Báo Tuổi Trẻ, thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella từ 6 - 72 giờ sau khi ăn, thông thường từ 18 - 36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt. Một số ít người còn bị buồn nôn ói mửa.
Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy có thể kéo dài tới 10 ngày. Một số ít trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, nếu không có các biểu hiện về đường tiêu hóa nhưng xuất hiện triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt cũng phải đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên tự ý theo dõi điều trị tại nhà. Càng nhập viện sớm thì tỉ lệ điều trị khỏi càng cao.
Cách phòng tránh nguy cơ
Theo Thanh Niên, một số người có khả năng cao bị nhiễm khuẩn Salmonella nghiêm trọng. Đó là trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ miễn dịch suy yếu do một số bệnh lý như tiểu đường, bệnh gan, thận, ung thư...
Thực hiện những bước sau có thể giúp bạn và gia đình ngăn ngừa nhiễm khuẩn Salmonella và ngộ độc thực phẩm.
- Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi xử lý thực phẩm, đặc biệt là sau khi chạm vào trứng sống hoặc nấu chưa chín, thịt, thịt gia cầm, hải sản hoặc nước dịch của chúng.
- Vệ sinh thật kỹ dụng cụ liên quan đến việc rửa thịt gia cầm, thịt hoặc hải sản sống bằng xà phòng.
- Để riêng thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng tách biệt với các thực phẩm khác trong túi mua hàng và trong tủ lạnh.
- Không bao giờ đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa trước đó đã đựng trứng, thịt, thịt gia cầm, hải sản hoặc nước dịch thịt sống hoặc nấu chưa chín.
- Nấu chín kỹ thực phẩm.
- Không để thực phẩm dễ hỏng như thịt, thịt gia cầm, hải sản, sữa, trái cây cắt nhỏ, cơm và thức ăn thừa bên ngoài tủ lạnh quá 2 giờ.