Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp để bàn nội dung liên quan đến việc chuẩn bị công bố hết dịch Covid-19.
- Đặc điểm của bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong tại Vũng Tàu
- Dịch COVID-19 hôm nay: Số ca mắc chỉ còn 341, thấp nhất 6 tuần qua
Theo thông tin từ Báo VietNamNet, chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay việc Việt Nam có thể yên tâm công bố hết dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu nhưng đại dịch chưa kết thúc.
Bà Lan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 và đề xuất đưa vắc xin Covid-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình huống mới để phục vụ cho nhu cầu tăng cường củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Dự kiến trong tháng 6/2023, Bộ Y tế sẽ trình Ban Bí thư thông qua hồ sơ này với nhiều nội dung liên quan tới mô hình tổ chức bộ máy, phương thức triển khai, củng cố về nguồn nhân lực.
Thông tin từ Báo Thanh Niên, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc công bố dịch gồm 5 nội dung: căn cứ trên dịch bệnh; thời gian, địa điểm, phạm vi, quy mô dịch bệnh; nguyên nhân, đường lây truyền và tính chất nguy hiểm của dịch; các biện pháp phòng chống; khả năng đáp ứng, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận điều trị.
Với 5 nội dung này, trong nước hiện vẫn cần tiếp tục công bố số liệu về dịch Covid-19 để các cơ quan liên quan, người dân nắm được, giúp cho người dân, cơ quan liên quan biết thời gian, địa điểm, quy mô dịch và các biện pháp phòng chống để thực hiện.
Về công bố hết dịch, Cục Y tế dự phòng và chuyên gia trong nước, quốc tế đang cập nhật, tham mưu cho Bộ Y tế đưa ra các biện pháp linh hoạt, phù hợp với mức độ, diễn biến dịch. Các hoạt động phòng chống dịch dựa trên tình hình dịch tễ, biện pháp phòng chống, nguồn lực… Các biện pháp này nhằm đảm bảo khi có tình huống cần thiết phải áp dụng để kiểm soát dịch nhanh chóng.
Về việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng phân tích, đối với hoạt động phòng chống dịch nói chung, Covid-19 nói riêng đều có 4 yếu tố. Thứ nhất, dựa trên tình hình dịch tễ; thứ hai là các biện pháp phòng chống; thứ ba là thời điểm áp dụng các biện pháp; và thứ tư là các nguồn lực, biện pháp phòng chống, các chính sách để đảm bảo thực hiện các biện pháp ứng phó một cách đồng bộ.
Đối với Covid-19, biện pháp phòng chống dịch áp dụng phải trải từ hành chính, xã hội cho đến biện pháp về chuyên môn, kỹ thuật. Trong phân loại, bệnh truyền nhiễm nhóm A thiên về các biện pháp hành chính xã hội và đảm bảo nguồn lực. Dù là nhóm bệnh nào thì việc phối hợp cũng cần thực hiện hài hòa, linh hoạt để các biện pháp phòng chống dịch có thể triển khai nhanh chóng, phù hợp với tình huống dịch.
Theo Bộ Y tế, VN đã đưa ra các đáp ứng phù hợp với tình hình dịch tễ trong bối cảnh từng thời kỳ. Các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại nước ta có sự chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua, đặc biệt từ tháng 10.2021, VN đã chuyển hướng sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Tiếp theo đó, ngày 17.3.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, với quan điểm, mục tiêu nhất quán trong phòng, chống dịch Covid-19 lâu dài, bền vững.