Thời gian gần đây, tại Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân ngộ độc botulinum phải điều chuyển một loại thuốc hiếm, có giá thành cao để cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
- Sau lô mỹ phẩm làm sạch chấy rận, tiếp tục thu hồi một loại kem đánh răng không đạt chất lượng
- Hà Nội: Người đàn ông tử vong sau vài ngày giết mổ lợn
Mới đây nhất, theo thông tin từ Báo Dân Trí, sau khi ăn chả lụa, 3 bệnh nhi xuất hiện triệu chứng ngộ độc botulinum nặng. Các bác sĩ phải tức tốc mang thuốc giải độc 8.000 USD từ Quảng Nam về TPHCM để cứu bệnh nhân. Được biết, gia đình gồm 3 anh em ruột là N.V.H (14 tuổi), N.V.Đ (13 tuổi) và N.T.X (10 tuổi, cùng ngụ TP Thủ Đức) đã cùng ăn chả lụa (hay giò lụa) do dì mua từ người bán dạo không rõ nguồn gốc về để ăn kèm với bánh mì.
Sau khi ăn khoảng 12-18 giờ cả 4 người đều bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần, sau đó xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau người. Riêng 3 đứa trẻ bị yếu cơ dần.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mời bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy sang hỗ trợ, do nghi ngờ các bệnh nhân bị ngộ độc. Đến 19 giờ cùng ngày, các xét nghiệm cận lâm sàng bệnh nhân nhiễm độc botulinum. Do tính chất cấp bách của bệnh lý ngộ độc botulinum (nếu điều trị muộn sẽ dẫn đến liệt cơ, suy hô hấp phải thở máy từ 3-6 tháng), Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập tức liên hệ với Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam để điều chuyển 2 lọ BAT (có giá nhập khẩu đến 8.000 USD/lọ) về TPHCM.
Thuốc giải độc Botulinum là loại thuốc hiếm, ít được sử dụng và có giá rất đắt. Mỗi lọ thuốc hiện có giá trị hàng nghìn USD. Loại thuốc này chỉ giải độc đặc hiệu đối với Botulinum.
Theo thông tin từ Báo Thanh Niên, trên địa bàn huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) đã ghi nhận có đến 10 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do ăn cá chép ủ chua, trong đó có 1 người tử vong. Đây là thức ăn truyền thống của đồng bào dân tộc địa phương.
Kết quả xét nghiệm cấy mẫu do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện xác định tất cả ca bệnh ngộ độc đều được kết luận nguyên nhân liên quan đến vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Theo thông tin từ Báo VietNamNet, triệu chứng ngộ độc Botulinum là nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mi mắt, nói ngọng, nuốt khó, khô miệng và yếu cơ. Trẻ em bị ngộ độc Botulinum biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, táo bón, khóc yếu và trương lực cơ giảm. Nếu không điều trị, người bệnh có thể tiến triển dần yếu liệt tay chân và toàn thân.
Triệu chứng thường khởi phát từ 18 đến 36 giờ sau khi ăn uống thực phẩm nhiễm khuẩn hoặc có thể xuất hiện sớm sau 6 giờ hoặc muộn hơn sau 10 ngày.
Trường hợp nặng, cơ hô hấp bị tổn thương dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh chóng nếu không được hỗ trợ hô hấp, thở máy. Những trường hợp ngộ độc Botulinum nặng cần điều trị hỗ trợ, đặc biệt là thở máy, có thể phải điều trị hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các chuyên gia hồi sức, chống độc mang theo 5 lọ thuốc giải ra Quảng Nam và sử dụng 3 lọ cho các bệnh nhân.
Cũng theo Báo Tuổi Trẻ vào năm 2020, đã ghi nhận trường hợp ngộ độc lớn. Cụ thể, tại Bình Dương đã có 6 bệnh nhân ngộ độc nhập viện cấp cứu sau khi cùng ăn bún riêu chay. Trong số này, 3 người có dấu hiệu phục hồi sau khi được sử dụng huyết thanh giải độc tố Clostridium Botulinum; 1 người tử vong và 2 người đang được bệnh viện thay huyết tương lọc độc tố.
Ước tính ban đầu từ ngành y tế tỉnh Bình Dương xác định 25 - 30 người cùng ăn bún riêu chay trong bữa trưa 20-3, họ đều là phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Chiều 17-4, 6 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum đã về đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Mỗi lọ có dung tích 50 ml, với giá hơn 6.000 USD.
Trước đó, ngày 27-3, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay lô thuốc BAT 10 lọ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ cho Việt Nam hiện đã dùng hết. Để kịp thời điều trị cho các bệnh nhân, trước mắt có một công ty đề xuất với Bộ Y tế và một số bệnh viện tài trợ 6 lọ thuốc.
Theo các chuyên gia, ăn thực phẩm có chứa chất độc của vi khuẩn Clostridium Botulium sẽ bị ngộ độc. Nguyên nhân phổ biến là do thức ăn không được bảo quản đúng cách. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị tê liệt ở cánh tay, chân hoặc tê liệt toàn thân và cơ hô hấp.
TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, để phòng ngừa các vụ ngộ độc tương tự có thể xảy ra, đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Yêu cầu các địa phương khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các món thịt, cá ủ chua. Đồng thời tập trung rà soát, nắm bắt kỹ về các lễ, hội ở từng địa phương để hiểu rõ phong tục, tập quán làm cơ sở tuyên truyền để thay đổi hành vi sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phải có giải pháp tích cực, thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống chín, rửa tay với xà phòng, phòng chống ngộ độc rượu và ngộ độc do độc tố tự nhiên, vệ sinh môi trường, triển khai hoạt động tuyên truyền nguyên nhân gây ra ngộ độc do độc tố Clostridium botulinum.
PGS Thịnh khuyến cáo, với các sản phẩm làm tại gia đình, người dân cần bảo quản ở môi trường âm sâu, không nên để trong môi trường tự nhiên quá lâu. Độc tố Botulinum bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên thức ăn đóng hộp cần nấu sôi hoặc hấp khoảng 10 phút trước khi ăn để đảm bảo an toàn.