Thời tiết miền Bắc bắt đầu trở lạnh, nhiều gia đình thường sử dụng nước nóng trong sinh hoạt hàng ngày. Mới đây, 1 trường hợp trẻ 4 tuổi bị bỏng nặng do nhảy vào chậu nước sôi khi gia đình chuẩn bị pha nước tắm.
- Đang ăn cơm bên đường, người đàn ông khởi phát đột quỵ, bất ngờ méo miệng, liệt nửa người
- Ong 'mặt quỷ' tấn công, 2 anh em bị đốt hàng chục vết nguy kịch, phải thở máy gần 2 tháng
Theo thông tin từ báo Tuyên Quang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhi P.Đ.A, 4 tuổi, trú tại xã Bình Xa (Hàm Yên) được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu do bỏng nước sôi.
Gia đình bé A cho biết, sau khi đổ nước sôi vào chậu chuẩn bị tắm cho bé, chưa kịp đổ nước lạnh thì bé đã nhảy luôn vào chậu nước nóng nên đã bị bỏng, gia đình đã đưa bé đến Trung tâm Y tế tuyến huyện để cấp cứu, sau đó được chuyển tuyến ngay đến Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Quang Nguyên – Phó Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Bệnh nhi A được chẩn đoán bỏng nước sôi cẳng bàn tay phải, mông và 1/3 trên đùi phải, cẳng bàn chân phải diện tích ~15%. Bệnh nhi đã được xử lý chống sốc, bù nước điện giải, điều trị vết bỏng bằng các loại thuốc bôi, đắp đặc hiệu chuyên trị bỏng, thay băng bỏng định kỳ... Hiện tại bệnh nhi được điều trị tích cực và chăm sóc tại khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tình trạng bệnh nhi đang tiến triển tốt. Dự kiến khoảng 1 tuần nữa bé sẽ được ra viện.
Bất kỳ ai và tại bất kỳ thời điểm nào cũng có thể bị bỏng nước sôi, người dân cần lưu ý đến một số cách xử trí khi bị bỏng nước sôi như sau:
- Đưa bệnh nhân ra xa khỏi nguồn bỏng, nhanh chóng bộc lộ vị trí bỏng, loại bỏ quần áo, đồ dùng như đồng hồ, vòng tay…đang ở vị trí bỏng.
- Đưa vết bỏng vào dưới vòi nước chảy hoặc vào chậu nước mát và sạch trong ít nhất khoảng 10-15 phút để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, giảm viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng. Lưu ý tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Nếu có thuốc xịt bỏng thì nhanh chóng xịt lên vết bỏng sau khi được làm mát.
- Dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt, làm vết bỏng bị tổn thương nặng thêm. Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thảo dược (không rõ nguồn gốc) để cấp cứu và tự “chữa” bỏng.
- Trong trường hợp nạn nhân là trẻ nhỏ đang hoảng loạn, cha mẹ nên động viên, trấn an bé. Nếu trẻ đau nhiều thì dùng thuốc giảm đau.
- Sau khi sơ cứu, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được Bác sĩ thăm khám, xử trí và đánh giá tổn thương, kịp thời tư vấn và điều trị. Hạn chế tối đa các biến chứng.
- Bỏng nước sôi cần được sơ cứu đúng ngay từ nhưng giây phút đầu tiên, bởi nếu xử trí sai thì về sau có thể khiến vết bỏng sâu hơn, gây nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút cơ… thậm chí để lại những thương tật vĩnh viễn cho người bệnh.