Phẫu thuật hút mỡ bụng dễ gặp biến chứng nguy hiểm như shock phản vệ, ngộ độc lidocain, tắc mạch phổi,thủng bụng… có thể tử vong do đó, không thực hiện tại các phòng khám, các TMV, Spa.
- Tin lời spa uống viên chống nắng bảo vệ da, người phụ nữ 'tá hỏa' vì kết quả đi khám: Lời bác sĩ giải đáp
- Nuốt vướng, khó thở ở cổ: Ngỡ bệnh lý đơn giản, người phụ nữ đi khám tá hỏa phát hiện khối u khổng lồ
Theo thông tin từ báo Thanh niên, khoảng 7h ngày 6/6, bệnh nhân T.T.L.P. (50 tuổi) đến một phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tại Q.10 (TP.HCM) và được phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí mắt. Sau đó, 10h sáng cùng ngày (6/6), chị P. tiếp tục được chuyển đến một bệnh viện thẩm mỹ trên địa bàn Q.5 để phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ.
Lúc 12h 20, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật hút mỡ vùng bụng toàn phần, hút mỡ lưng với phương pháp vô cảm là gây mê nội khí quản. Tuy nhiên, đến 16h15, bệnh nhân tụt huyết áp và được ê kíp phẫu thuật tiến hành hồi sức cấp cứu và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng mê, bóp bóng qua nội khí quản, huyết áp không đo được.
Ngay khi bệnh viện tiếp nhận, bệnh nhân được chụp CT-scanner bụng, hội chẩn và được chỉ định mổ cấp cứu, ghi nhận tình trạng xuất huyết nội do rách mạch máu mạc nối lớn. Trong quá trình mổ khâu cầm máu, bệnh nhân được ghi nhận mất 6 lít máu và đã được truyền bù máu.
Theo nguồn tin từ báo Pháp luật TP.HCM, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM niêm phong hồ sơ bệnh án của bà P., Sở Y tế lập đoàn chuyên gia khảo sát kiểm tra mức độ an toàn phẫu thuật tại BV thẩm mỹ nói trên.
Trước đó, TP.HCM cũng đã ghi nhận nhiều ca biến chứng do giảm béo. Trong đó, không ít trường hợp tử vong.
Điển hình, bà T.T.B. (45 tuổi) đến một BV thẩm mỹ ở TP.HCM cũng để hút mỡ bụng. Tuy nhiên, sau khi về nhà, bà B rơi vào tình trạng khó thở, không thể nói chuyện mặc dù tỉnh táo.
Bà B được người nhà đưa tới BV cấp cứu nhưng không qua khỏi. Các bác sĩ chẩn đoán bà B tử vong ngoại viện nghi do thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim cấp, tăng men gan trên nền bệnh nhân hút mỡ bụng.
Hút mỡ bụng - ngoài hiệu quả cũng tiềm tàng nhiều rủi ro
BS Vũ Hữu Thịnh, quản lý và điều hành khoa Tạo hình thẩm mỹ, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng phương pháp giảm cân hiệu quả nhất là tập thể dục, bởi năng lượng nạp vào sẽ tích lũy dần và tăng cân nếu không tập thể dục để đào thải bớt. “Phẫu thuật thẩm mỹ giảm béo chỉ nên áp dụng khi tăng cân quá nhanh hoặc giải quyết tình trạng thừa da do xuống cân” - BS Thịnh cho biết.
Tất cả phương pháp mổ hay không mổ, gây tê hay gây mê trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ giảm béo đều có những rủi ro. Can thiệp, xâm lấn ít thì rủi ro giảm, nhiều thì rủi ro cao.
Can thiệp xâm lấn giảm béo còn tùy thuộc vào trình độ của êkíp phẫu thuật. Trường hợp cần can thiệp sâu nhưng người thực hiện không được đào tạo bài bản, thiếu chuyên môn dễ có nguy cơ gây tai biến.
Do đó, cần thực hiện hút mỡ bụng ở BV có máy móc hiện đại, có nhiều chuyên khoa khác nhau thì độ an toàn cao, bởi có thể phát hiện kịp thời và xử lý đúng cách khi xảy ra tai biến.
Đơn vị Phẫu thuật hàm mặt - Tạo hình thẩm mỹ BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cũng từng ghi nhận trường hợp tai biến nhẹ sau phẫu thuật hút mỡ bụng.
Ngoài ra, TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV, cho biết một điều cực kỳ quan trọng là khách làm đẹp trước khi thực hiện lấy mỡ bụng phải được kiểm tra sức khỏe tổng quát để phát hiện các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch… Trong trường hợp, bệnh nhân bị đường huyết cao thì vết mổ lâu lành, dễ bị nhiễm trùng. Nếu có bệnh tim mạch sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe trong quá trình gây mê.