Khan hiếm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở bệnh viện

Tin y tế 10/11/2023 19:15

Trước nỗi lo con không được tiêm vắc-xin viêm gan B ngay khi chào đời, giới chuyên gia đã có những chia sẻ cấp thiết xoay quanh.

Thiếu vắc-xin viêm gan B - thực trạng chung tại nhiều bệnh viện

Thời gian gần đây, thông tin thiếu một số loại vắc-xin, trong đó có vắc-xin viêm gan B, đang là thực trạng chung tại nhiều bệnh viện được nhiều người quan tâm. Trong đó, có những bệnh viện tại Hà Nội thông báo hết vắc-xin viêm gan B khiến nhiều sản phụ sắp sinh đẻ cảm thấy vô cùng lo lắng. Nhiều người đã tính đến phương án phải chờ hoặc phải tham khảo tiêm chủng dịch vụ với giá cao.

Khan hiếm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở bệnh viện - Ảnh 1

Tại buổi thảo luận trong kỳ họp Quốc hội ngày 2/11 vừa qua, bà Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội), bày tỏ lo ngại trước tình trạng thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ em. Theo bà Hà, ngay tại Hà Nội, đến tháng 11/2023 đã có 5/10 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ như vắc-xin sởi đơn, bạch hầu – ho gà - uốn ván, lao, viêm gan B, bại liệt dạng tiêm. Vậy là không chỉ có vắc-xin viêm gan B mà còn nhiều loại vắc-xin khác cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng đang hết tạm thời.

Khảo sát thực tế tại nhiều bệnh viện, tình trạng khan hiếm vắc-xin viêm gan B đang khiến nhiều mẹ mới sinh con vô cùng lo lắng. Chị Thu Uyên (sản phụ mới sinh con) kể, sau khi sinh, chị có nhu cầu tiêm phòng vắc-xin viêm gan B cho bé nhưng vì nguồn thuốc trong bệnh viện khan hiếm nên chưa tiêm được. 

"Tôi đã liên hệ để cho con tiêm dịch vụ bên ngoài bệnh viện. Tuy nhiên, tôi vẫn hơi lo lắng vì cháu tiêm vắc-xin khi đã qua thời điểm vàng mất rồi", chị Uyên chia sẻ.

Khan hiếm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở bệnh viện - Ảnh 2
Sản phụ phải tiêm vắc-xin viêm gan B dịch vụ cho trẻ sơ sinh.

Chị Uyên cũng cho biết, ở thời điểm đi sinh, chị chứng kiến nhiều em bé cũng không được tiêm vắc-xin viêm gan B ở viện do lượng thuốc không đủ. Vì vậy, giải pháp của nhiều mẹ là tìm kiếm các mũi tiêm vắc-xin tại nhiều cơ sở tiêm dịch vụ.

Chị Liên, sống tại Hà Nội, mới sinh con được 2 tuần, cũng cho hay: Sau khi sinh, bệnh viện không còn vắc-xin viêm gan B nên chị đã về trạm y tế phường để liên hệ tiêm cho con. Nhưng tại đây cũng không có. 

Lo con không được tiêm phòng đầy đủ, một số chị em tính cả phương án "mua vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại các trung tâm tiêm chủng bên ngoài rồi đem đến bệnh viện nhờ các bác sĩ tiêm giúp". Tuy nhiên, ThS.BS Đào Minh Trí (Bệnh viện Nhi Trung ương) khẳng định, việc làm này không khả thi, không được bệnh viện chấp thuận vì có nhiều rủi ro đi kèm.

"Chị em tuyệt đối không nên có ý định mua vắc-xin viêm gan B từ bên ngoài mang vào bệnh viện để nhờ bác sĩ tiêm. Việc này không đảm bảo chất lượng vắc-xin và tôi tin các bệnh viện cũng không nơi nào làm vậy", BS Trí khuyên.

Liên hệ một số trung tâm tiêm chủng tư nhân như VNVC, Hệ thống Tiêm chủng Tràng An…, các tư vấn viên cho biết, vắc-xin viêm gan B hiện vẫn có tại cơ sở. Tuy nhiên trước khi định đến tiêm, người nhà vẫn cần liên hệ hỏi trước để chắc chắn có còn hay không. 

Còn về việc có thể mua thuốc từ đây rồi đưa vào viện nhờ bác sĩ tiêm cho trẻ hay không, các Trung tâm tiêm chủng cho biết họ cũng không đồng ý làm vậy để phòng tránh những rủi ro không đáng có.

Khan hiếm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở bệnh viện - Ảnh 3

Có cần lo lắng quá khi trẻ chưa được tiêm vắc-xin viêm gan B ngay sau khi chào đời?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sơ sinh được tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh sẽ đem lại hiệu quả miễn dịch rất lớn. Không chỉ Việt Nam mà 81 quốc gia khác trên thế giới cũng đang áp dụng tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu tiên sau sinh, trong đó có các nước phát triển như Mỹ, Canada…

Virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con. Vì thế, mục đích chính của việc tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh là để ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh từ mẹ. Trẻ sơ sinh bị nhiễm viêm gan B có nguy cơ mắc bệnh mãn tính như xơ gan, ung thư gan... lên tới 90%. Trong số đó tỉ lệ tử vong rất cao, chiếm khoảng 25%. Trẻ cần được tiêm vắc-xin viêm gan B càng sớm càng tốt. Nếu tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh, khả năng trẻ miễn dịch với virus viêm gan B lây truyền từ mẹ khoảng 85 - 90%. Nếu tiêm muộn hơn, mức độ miễn dịch sẽ giảm dần theo từng ngày. Đến ngày thứ 7 thì gần như không còn tác dụng.

Khan hiếm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở bệnh viện - Ảnh 4

Việc tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh không chỉ giúp trẻ phòng tránh nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ mà còn bảo vệ trẻ khỏi virus viêm gan B từ môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, trong tình hình khan hiếm vắc-xin viêm gan B hiện nay, các chuyên gia Nhi khoa cho rằng người dân cũng không cần phải quá lo lắng.

BS Trương Hữu Khanh (Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho rằng, về nguyên tắc chung, tiêm phòng sớm thì giúp con ngừa sớm, tiêm trễ thì ngừa bệnh trễ hơn. Nếu chẳng may trong thời gian chờ được tiêm trẻ mắc bệnh thì rất nguy hiểm. Đây là sự thật mà mọi người cần nhớ. 

"Tuy nhiên, ngay sau sinh không được tiêm vắc-xin viêm gan B thì có thể đợi đến tiêm phòng 6 trong 1. Tất nhiên, hiệu quả phòng ngừa sẽ chậm hơn một chút nên bố mẹ cần rất cẩn trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh", BS Khanh cho biết.

BS Đào Minh Trí cũng nhận định: "Trong trường hợp không được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B ngay sau khi sinh, bố mẹ cũng không cần quá lo lắng. Bởi vì khi con được 2 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm phòng vắc-xin 6 trong 1. Mũi tiêm này cũng bao gồm tiêm phòng vắc-xin viêm gan B".

Thay vì nháo nhào đi tìm mua vắc-xin viêm gan B, nhờ người này người kia tiêm giúp ngay trong bệnh viện, giờ đây, bố mẹ có thể yên tâm con vẫn được tiêm ngừa đầy đủ nếu đảm bảo tiêm vắc-xin 6 trong 1.

Sáng 8/11, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện chậm tiến độ đã được báo cáo với Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ thông tin, năm 2022, tại một số cơ sở y tế công lập đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; vào bệnh viện phải mua thuốc ngoài, thanh toán BHYT khó khăn, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải bệnh viện chưa được khắc phục hiệu quả.

Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch COVID-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; các bất cập trong quy định về đăng ký, đấu thầu, mua sắm; còn có tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế; đầu tư phát triển cơ sở khám chữa bệnh còn hạn hẹp...

Với tinh thần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về đấu thầu, giá, khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hết hiệu lực lưu hành; ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc và thanh toán BHYT.

Đến nay, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả, trong đó bảo đảm đủ các loại thuốc thiết yếu, phổ biến.

Ăn mì Ý trong bữa trưa, 8 em học sinh nôn ói, phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm

Trưa nay các em được bếp nấu cho ăn món mì Ý. Ăn xong, chuẩn bị đi nghỉ thì có triệu chứng nôn ói, chóng mặt.

TIN MỚI NHẤT