Hơn 50% ca Covid-19 tử vong ở TP.HCM chưa tiêm: Có F0 không hề biết mình bị bệnh nền

Tin y tế 23/11/2021 15:31

Theo vị cán bộ y tế, nguyên nhân tử vong chính của một số bệnh nhân là do mắc các bệnh lý khác, kèm thêm tuổi cao sức yếu, Covid-19 chỉ là tác nhân.

Theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tối 22/11, hiện nay, mỗi ngày TP đều có hơn 1.000 ca mắc mới được công bố. Số ca nhập viện vẫn cao hơn số ca xuất viện. Số ca nặng, tử vong có khuynh hướng gia tăng, đặc biệt tập trung ở nhóm có bệnh nền, tuổi trên 50.

Riêng trong ngày 22/11, số ca tử vong tại TP.HCM ghi nhận là 59 người trong đó có 6 trường hợp được chuyển đến từ các tỉnh thành khác.

Thông tin cụ thể về vấn đề này tại cuộc họp báo chiều ngày 22/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM tại cho biết, với 151 ca tử vong vì Covid-19 trong 3 ngày qua thì có 18 trường hợp mắc bệnh nền, 75% trường hợp tử vong được xác định chưa tiêm hoặc chỉ tiêm 1 mũi vắc xin Covid-19.

Hơn 50% ca Covid-19 tử vong ở TP.HCM chưa tiêm: Có F0 không hề biết mình bị bệnh nền - Ảnh 1
Biểu đồ tình hình dịch bệnh từ ngày 16-22/11 (Nguồn: HCDC)

Trao đổi riêng với báo Tuổi Trẻ vào sáng nay, ngày 23/11, một cán bộ có trách nhiệm tại Sở Y tế TP.HCM cho hay, có một số bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu điều trị bởi một bệnh lý khác (bệnh nền), sau đó xét nghiệm tầm soát mới phát hiện mắc thêm Covid-19.

Hay thậm chí có người mắc Covid-19 không hề biết mình có bệnh nền. Các trường hợp này, Covid-19 chỉ là tác nhân, còn nguyên nhân tử vong chính vẫn là do mắc các bệnh lý khác, kèm thêm tuổi cao sức yếu.

Vị này phân tích, các bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện tử vong thường tập trung ở nhóm cao tuổi và "không chịu tiêm vắc xin", mặc dù được gia đình, chính quyền động viên.

Người nhà ngại cho bệnh nhân tiếp cận vắc xin?

Lý giải về số ca tử vong của TP.HCM tăng, tập trung phần lớn ở nhóm người chưa tiêm vắc xin Covid-19. Cụ thể, thống kê một ngày các ca tử vong đều có điểm chung trên 50% là chưa tiêm vắc xin.

"Có thể những bệnh nhân này thuộc nhóm chống chỉ định, người cao tuổi nằm một chỗ, người nhà ngại cho bệnh nhân tiếp cận vắc xin. Tuy nhiên, người có bệnh nền cao tuổi nếu không chích vắc xin, khi nhiễm bệnh nguy cơ diễn tiến nặng, tử vong ở mức rất cao" - Báo Tiền Phong dẫn lời Chánh văn phòng Sở Y tế nói.

Theo phân tích của bà Huỳnh Mai, nếu tính trên cá thể, một người tiêm vắc xin thì cơ thể đã được miễn dịch. TPHCM đã có độ phủ vắc xin Covid-19 rất tốt.

Tuy nhiên, khi số lượng F0 tăng thì vẫn có 15 đến 20% người bệnh có diễn biến tăng nặng, trong đó chủ yếu người cao tuổi, có bệnh nền và 5% trong số này sẽ chuyển biến rất nặng.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến số ca tử vong ở TP.HCM tăng là do TP đang phải "gánh" một phần ca tử vong do các tỉnh lân cận chuyển đến. Hiện tại, đang có xu hướng các ca nặng chuyển về các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM và khi tử vong các ca này đều được tính cho TP.HCM.

Theo Bộ Y tế, Hà Nội hiện có 2.600 bệnh nhân đang điều trị, nhưng số bệnh nhân chuyển nặng đang phải hỗ trợ thở oxy, thở máy chỉ có 23 ca. Trong khi thông thường số bệnh nhân nặng, cần hỗ trợ thở phải chiếm 10% tổng số bệnh nhân.

Tuy nhiên, tại TP.HCM số tử vong vẫn đang đứng ở mức cao, ngày 21/11 ghi nhận tới 50 ca tử vong và ngày 22/11 là 59 ca. So với cao điểm dịch số bệnh nhân Covid-19 tử vong đã giảm nhiều, nhưng so với tháng 10 và những ngày đầu tháng 11, con số này đã có dấu hiệu tăng cao.

Người đã tiêm vaccine có tải lượng virus cao như người chưa tiêm: Có làm virus lây nhanh?

Những người đã tiêm vaccine COVID-19 có thể tự "tiêu diệt" được virus khi nhiễm bệnh và làm giảm số ca lây nhiễm mặc dù tiếp xúc gần.

TIN MỚI NHẤT