Cả nước đã ghi nhận 2.653 ca mắc COVID-19 mới, trung bình 379 ca mắc mới/ ngày, đây là tuần có số ca mắc cao nhất từ đầu năm đến nay.
- Một dấu hiệu mới của COVID-19 vừa được công bố: Bệnh nhân sẽ có hiện tượng mắt đỏ
- COVID-19 tăng trở lại: Chuyên gia y tế khuyến cáo những việc cần làm để phòng chống dịch
Thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, theo thống kê, trong 7 ngày qua ( từ 9/4- 15/4), cả nước đã ghi nhận 2.653 ca mắc COVID-19 mới, trung bình 379 ca mắc mới/ ngày.
Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến thời điểm này ở nước ta, có 2 ngày liên tiếp số ca mắc ở con số 780 và 775 ca/ ngày. Trong khi các tuần trước đó, số mắc COVID-19 mỗi ngày chỉ vài ca, nếu cao nhất cũng chỉ vài chục ca/ ngày (tuy nhiên rất ít ngày số ca mắc ở con số vài chục).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.530.356 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.523 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.615.343 ca, trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 10 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 8 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca. Cũng trong 7 ngày qua, có ngày 14/4, số bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ lên đến 22 ca- cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.
Đến nay đã hơn 3,5 tháng liên tiếp, Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Cũng trong tuần qua, thông tin từ ngành y tế TP HCM cho biết, theo báo cáo của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, tiến hành giải trình tự SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính trong giai đoạn từ ngày 11/1/2023 đến 20/3/2023, kết quả có 5 mẫu được giải mã thành công. Trong số này có 2 chủng thuộc biến thể phụ BA.5 (2/5, 40%), 1 mẫu BA.2.75 (1/5, 20%), 1 mẫu XBB.1 (1/5, 20%) và 1 mẫu XBB.1.5 (1/5, 20%).
Theo Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết đang triển khai giải mã gene đợt mới, từ mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân nhập viện gần đây, đánh giá chủng hiện tại có gì biến đổi so với trước?
Chuyên gia này cũng cho biết các khảo sát trước đó chưa ghi nhận biến chủng mới tại Việt Nam, các chủng lưu hành đều là chủng phụ của Omicron, tương tự các nước trên thế giới.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết đang theo dõi sát tình hình COVID-19, vị này cho biết hai chỉ số quan trọng là vi rút có biến chủng hay không và số ca nặng có gia tăng không, thì theo dõi số ca nặng chưa thấy có bất thường.
"Qua thời gian thì hiệu quả miễn dịch của vắc xin cũng như ở những người đã từng mắc COVID-19 sẽ giảm dần. Hiện số mắc có tăng hơn nhưng số lượng ca ghi nhận không phải là lớn" - vị này nhận xét.Chuyên gia tiêm chủng nhận xét vắc xin ngừa COVID-19 đang lưu hành vẫn có hiệu quả với chủng vi rút cũ, bằng chứng là việc khống chế dịch hiệu quả thời gian qua. Với các chủng biến đổi sau này thì phải chờ đánh giá của các nhà vi rút học. Bộ Y tế khuyến cáo, đối với người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác...
Việc đeo khẩu trang trong các cơ sở khám chữa bệnh, trên các phương tiện công cộng là yêu cầu phòng, chống dịch...