Mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một người phụ nữ và ba chàng trai thi ăn tiết canh. Chỉ trong 10 phút người phụ nữ ăn liên tiếp 32 bát tiết canh dê khiến nhiều người ngạc nhiên và lo ngại cho sức khỏe của người này.
- Dịch đau mắt đỏ đang lây lan, đeo kính mắt có phòng ngừa được bệnh?
- Người phụ nữ nghèo dùng tiền tích góp cả năm để nâng mũi, nào ngờ lên cơn co giật, hoại tử nặng nề sau khi trùng tu tại 1 cơ sở ở TP.HCM
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng người phụ nữ nên đi khám sức khỏe ngay, có thể cô ấy đã đưa cả ổ ký sinh trùng vào người.
“Người bình thường chỉ ăn được một đến hai bát tiết canh. Việc ăn quá nhiều một món ăn đều không tốt, dù nó có giá trị dinh dưỡng cao chứ đừng nói gì đến tiết canh, món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh” , PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Ông Thịnh cho biết, thời xưa tiết canh được xem là món khoái khẩu của cánh mày râu, chúng ta có thể làm tiết canh từ nhiều con vật như lợn, vịt, dê, thậm chí là chó... Nhiều người quan niệm tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao.
Tuy nhiên, thực tế tiết canh không có nhiều dinh dưỡng, thậm chí rất nguy hại đến sức khoẻ. Trong đó có nguy cơ nhiễm độc từ chính con vật mắc bệnh và nguy cơ trong quá trình giết mổ không đảm bảo vệ sinh.
Theo ông Thịnh, tiết canh bản chất là máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, dê, gà, vịt... đang nhiễm bệnh, nguy cơ nhiễm chất độc từ máu động vật rất cao.
"Ăn tiết canh từ con vật bị bệnh bạn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, nặng có thể chết người" , PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), cho biết mỗi năm bệnh viện đón nhận hàng trăm người thăm khám vì nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn tiết canh.
Theo bác sĩ Thọ, nhiễm ký sinh trùng thường không có biểu hiện rõ ràng như các bệnh cấp tính. Song, bệnh để lâu dài có thể dẫn đến còi cọc, chậm lớn ở trẻ em; thai phụ có thể suy dinh dưỡng, thiếu sắt, gặp các bệnh lý về gan, phổi; suy nhược ở người cao tuổi. Ở thể nặng hơn, ấu trùng luân chuyển trong máu có thể làm giảm thị lực, co giật.
Ngoài ra, ăn tiết canh còn dẫn đến nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu. Một số trường hợp khác nhiễm liên cầu lợn dẫn đến viêm màng não, hoại tử da, suy đa tạng...
Vị chuyên gia khuyến cáo chỉ cần ăn tiết canh 1 lần cũng có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn. Do đó, người dân nên từ bỏ thói quen ăn tiết canh để đảm bảo sức khỏe.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ăn cùng lúc 30 bát tiết canh, 50 quả trứng vịt lộn... để thu hút người xem trên mạng ảnh hưởng tới sức khỏe chính người ăn.
Trào lưu tổ chức ăn uống rồi quay lại clip đưa lên mạng khá phổ biến ở Hàn Quốc, Thái Lan và gần đây là Việt Nam. Bác sĩ Hưng cho rằng, trào lưu này gây lãng phí thực phẩm: Trong quá trình quay video, người tham gia có thể mua nhiều thức ăn vượt quá nhu cầu của họ.
Ngoài ra, những hình ảnh như vậy khuyến khích hành vi ăn uống không lành mạnh và ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người xem.