Căn bệnh 'cướp đi mạng sống' của Châu Hải My: 90% bệnh nhân là nữ giới, thường biểu hiện qua 7 bộ phận này!

Tin y tế 13/12/2023 13:29

Châu Hải My mắc lupus ban đỏ. Nữ diễn viên được cho là sống chung với bệnh tật từ những năm 1998 nhưng không công khai. Vậy căn bệnh này nguy hiểm thế nào?

Tối 12/12, phòng làm việc của Châu Hải My xác nhận nữ diễn viên đã qua đời hôm 11/12 do bệnh tật: “Sau thời gian chữa trị không hiệu quả, Châu Hải My đã mất vào ngày 11/12. Cầu mong thiên đường không còn bệnh tật, cầu mong kiếp sau lại được nhìn chị tỏa sáng! Thành kính thương tiếc”.

Mẹ của nữ diễn viên cũng xót xa thông báo: "Hải My thân yêu, mong con luôn được vui vẻ. Gia đình tự hào về con".

Diễn viên Điền Khải Văn cũng đã lên tiếng xác nhận Châu Hải My mắc lupus ban đỏ. Nữ diễn viên được cho là sống chung với bệnh tật từ những năm 1998 nhưng không công khai. 

Căn bệnh 'cướp đi mạng sống' của Châu Hải My: 90% bệnh nhân là nữ giới, thường biểu hiện qua 7 bộ phận này! - Ảnh 1
Nữ diễn viên Châu Hải My - Ảnh: internet

1. Lupus ban đỏ là bệnh gì?

Lupus ban đỏ được chia thành 2 thể chính là: Lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống, Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh thường gặp trong các bệnh lý tự miễn. Nguyên nhân của bệnh lupus nói riêng và các bệnh lý tự miễn nói chung là do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể. Hiện, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu.

Theo thống kê, trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, 90% là nữ giới. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi và bệnh chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân.

Cơ chế gây bệnh lupus ban đỏ

Vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus,...). Tuy nhiên, trong cơ thể bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống cũng như các bệnh lý có cơ chế tự miễn khác, hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ - quen”, tưởng nhầm chính mô của cơ thể cũng là vật lạ nên phản ứng tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, có một số giả thiết tạm chấp nhận là lupus ban đỏ hệ thống là hệ quả của sự tương tác qua lại của nhiều yếu tố.

Trong đó, có một số yếu tố có vai trò nổi bật hơn hẳn như:

Di truyền: Người có tiền sử gia đình anh chị em ruột bị mắc lupus ban đỏ hệ thống thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường

Môi trường: Do các tác nhân nhiễm khuẩn, tiếp xúc với các loại hóa chất, ánh nắng mặt trời

Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở giới nữ trong độ tuổi sinh sản,... Ngoài ra, một số thuốc như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như lupus nên dễ chẩn đoán nhầm với lupus thực sự. Đồng thời, các thuốc tránh thai cũng đã được ghi nhận là có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.

Căn bệnh 'cướp đi mạng sống' của Châu Hải My: 90% bệnh nhân là nữ giới, thường biểu hiện qua 7 bộ phận này! - Ảnh 2
Một số biểu hiện của bệnh trên da  - Ảnh minh họa: Internet

2. Biểu hiện của lupus ban đỏ như thế nào?

Do là một bệnh hệ thống, lupus có biểu hiện hầu hết các cơ quan. Đồng thời, các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm.

Da: Đây là triệu chứng thường dễ nhận thấy nhất. Có đến 3/4 số bệnh nhân tự thấy các ban đỏ nổi bất thường trên da. Trong đó, hồng ban có dạng hình cánh bướm ở mặt là một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus. Ngoài ra, thương tổn trên da còn gặp ở những vùng hở khác như cổ, bàn tay,... Các tổn thương này nhìn chung rất nhạy cảm với ánh nắng. Nếu tiến triển lâu dài, sang thương có thể bị teo đi ở phần giữa, do đó, còn gọi là “Hồng ban dạng đĩa”. Một số thương tổn có thể quá sản phì đại. Bên cạnh đó, tổn thương da do lupus còn có dạng các bọng nước, dát xuất huyết. Niêm mạc trong miệng, vùng hầu họng dễ lở loét nhưng không đau. Tóc vàng, dễ gãy và rụng nhiều.

Tim: bệnh nhân có thể biểu hiện đau ngực, khó thở giống viêm cơ tim, màng tim. Đôi khi bệnh đã diễn tiến nặng, gây suy tim.

Phổi: Triệu chứng của viêm phổi, viêm màng phổi cũng hay gặp và có thể suy hô hấp.

Khớp: Viêm khớp là một biểu hiện rất hay gặp, làm cho bệnh nhân khó vận động và đi lại.

Máu: Đa số người bệnh đều có thiếu máu từ mức độ nhẹ đến nặng với biểu hiện da xanh, niêm nhạt, môi tái, hạn chế khả năng gắng sức. Xét nghiệm huyết đồ thấy có thể giảm cả ba dòng tế bào máu: Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Thận: Viêm thận do lupus là một chẩn đoán thường gặp trong nhóm bệnh lý viêm thận tự miễn. Người bệnh đến khám có thể do tiểu đục, tiểu máu, phù toàn thân, tăng huyết áp. Xét nghiệm nước tiểu thấy bất thường và đôi khi có thể cần xác chẩn bằng sinh thiết thận.

Tâm thần kinh: Một số bệnh nhân có biểu hiện rối loạn phương hướng, giảm tri giác, mất trí nhớ. Đôi khi có đau đầu dữ dội hay co giật toàn thân. Các triệu chứng tâm thần kinh có thể nặng thêm trong trường hợp dùng corticoid liều cao và kéo dài.

Ngoài ra, thực tế trên lâm sàng, phần lớn các bệnh nhân đến khám vì các biểu hiện không đặc hiệu như sút cân, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ âm ỉ, rụng tóc, viêm loét miệng kéo dài, đau các khớp nhỏ. Thậm chí nhiều trường hợp chỉ vì bị đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.

Các triệu chứng của lupus thường diễn biến thành những đợt cấp tính, xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh. Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ giống với nhiều bệnh lý khác cho nên kể từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi xác chẩn được bệnh thì có thể đã chậm trễ vài năm.

Căn bệnh 'cướp đi mạng sống' của Châu Hải My: 90% bệnh nhân là nữ giới, thường biểu hiện qua 7 bộ phận này! - Ảnh 3
Người có tiền sử gia đình bị mắc lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường - Ảnh minh họa: Internet

3. Những biến chứng của bệnh Lupus ban đỏ?

Bệnh lupus ban đỏ diễn biến phức tạp, tiến triển thành từng đợt, đợt sau nặng hơn đợt trước và gây tổn thương gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể như thận, hệ tạo máu, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp,... Trong trường hợp nặng, bệnh có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Nếu bệnh không được điều trị kiểm soát bệnh lupus ban đỏ có thể gây ra những tổn thương nặng nề ở hầu hết các cơ quan nội tạng theo các hệ cơ quan, tương xứng với các triệu chứng biểu hiện.

Tại tim: Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây viêm cơ tim, tràn dịch màng tim. Tình trạng kéo dài có thể gây suy tim mạn. Ngược lại, một số trường hợp diễn tiến tối cấp, viêm cơ tim cấp, gây suy tim cấp, người bệnh đột ngột tử vong do trụy mạch.

Tại phổi: Bệnh nhân có thể khó thở, suy hô hấp cấp do tràn dịch màng phổi, viêm phổi.

Tại thận: Tổn thương lupus gây phá hủy cầu thận bằng các phản ứng viêm cầu thận, tiến triển đến suy thận.

Tại hệ thần kinh: Bệnh nhân có thể bị co giật, rối loạn tâm thần.

Tại hệ tạo máu: Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây thiếu máu, xuất huyết. Thiếu máu diễn tiến kéo dài cũng gây ảnh hưởng hoạt động các hệ cơ quan. Đồng thời, tình trạng xuất huyết lại làm nặng thêm vấn đề thiếu máu và nguy hiểm đến tính mạng nếu gây xuất huyết não, chèn ép não.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các biến chứng do điều trị thuốc ức chế miễn dịch. Hệ thống miễn dịch không còn đảm bảo chức năng vốn dĩ của nó, cơ thể dễ mắc các tác nhân lây nhiễm mà không thể chống cự lại được. Tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nhanh, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân dễ rơi vào sốc và tử vong.

Nguồn: Bệnh viên Đa khoa VinMec.

Đang khoẻ mạnh bỗng phát hiện ung thư gan, hoá ra vì loại nước ai cũng tưởng uống càng nhiều càng tốt

Bệnh nhân này vừa bước sang độ tuổi 40, là một người đàn ông thành đạt.

TIN MỚI NHẤT