Theo Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam chưa có ca nhiễm bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Tuy vậy, vẫn cần theo dõi rất sát về diễn biến bệnh để có thể đưa ra những cách ứng phó phù hợp.
- Viêm gan bí ẩn ở trẻ em khiến nhiều bố mẹ hoang mang: Bác sĩ gan mật giải thích cặn kẽ
- Gần 200 trẻ em mắc viêm gan bí ẩn trên khắp thế giới: Triệu chứng bệnh là gì?
Dù mới được báo cáo từ 15/4/2022, nhưng đến nay đã có hơn 300 trẻ tại 23 quốc gia (Châu Âu, Châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á) được thông báo nhiễm bệnh. Do vậy, bệnh viêm gan bí ẩn đang gây ra nỗi sợ hãi cho rất nhiều bậc phụ huynh, nó gây tình trạng viêm gan cấp tính ở trẻ nhỏ, trong khi các nhà khoa học chưa tìm ra căn nguyên cụ thể của bệnh.
Theo Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam chưa có ca nhiễm bệnh. Tuy vậy, vẫn cần theo dõi rất sát về diễn biến bệnh để có thể đưa ra những cách ứng phó phù hợp.
Hậu quả của viêm gan ở trẻ em là gì?
Theo TS.DS Tạ Thanh Sơn, viêm gan là một bệnh lí nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần 10% trẻ em bị ảnh hưởng phải ghép gan do nhiễm bệnh viêm gan. Ít nhất đã có 4 trường hợp trẻ em tử vong vì viêm gan trong vài tuần qua.
Nhiều trường hợp báo cáo các triệu chứng tiêu hóa bao gồm đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa trước khi biểu hiện viêm gan cấp tính nặng.
Vâỵ bệnh lý này biểu hiện ở trẻ nhỏ như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khi có những dấu hiệu điển hình sau, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt để loại trừ viêm gan cấp không rõ nguyên nhân:
- Đau bụng.
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Vàng da, củng mạc (lòng trắng mắt) chuyển vàng.
- Trẻ thường không sốt, nhưng có thể có co giật, hôn mê.
Ngoài ra trẻ còn có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Mệt mỏi.
- Chán ăn.
- Nước tiểu sẫm màu.
- Phân bạc màu.
- Đau các khớp.
Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, men gan tăng rất cao (gấp đôi, gấp 3 bình thường).
Lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng là độ tuổi từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, đa số là dưới 10 tuổi, đặc biệt là dưới 5 tuổi. Các virus gây viêm gan như viêm gan A, B, C, D, E đều không hiện diện ở nhóm đối tượng này.
Trẻ có thể tự hồi phục, nhưng đã có những trường hợp phải ghép gan. Cá biệt, đã có 10 trẻ tử vong do bệnh.
CDC Mỹ (Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ) đã khuyến cáo rất rõ: phụ huynh nên cho trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu kể trên.
Một nghiên cứu ở Anh cho thấy, 75% trường hợp trẻ em dưới 10 tuổi bị mắc bệnh là có xét nghiệm dương tính với Adenovirus - loại virus thường gây dấu hiệu đau bụng, cảm lạnh. Đặc biệt, Bộ Y tế Anh còn cho biết có rất nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh là có phơi nhiễm với Canine adenovirus - loại virus có ở loài thú cưng nuôi trong nhà-đó là chó. Loại virus này có thể gây ra triệu chứng viêm gan ở chó nhà.
Adenovirus là virus rất phổ biến ở trẻ em, gần như mọi đứa trẻ đều nhiễm virus này ít nhất 1 lần trước 10 tuổi, trong đó Adenovirus type 41 (lây chủ yếu qua đường tiêu hoá) là nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột cấp tính, điển hình là tiêu chảy, nôn mửa, sốt và các triệu chứng hô hấp. Hiện virus này được nghi ngờ là căn nguyên gây bệnh.
Adenovirus thường được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hô hấp, viêm kết mạc hoặc rối loạn tiêu hóa. Trước đây cũng từng ghi nhận có trường hợp mắc adenovirus bị suy gan nặng, phải ghép gan, thậm chí là tử vong. Nhưng điều kỳ lạ của bệnh viêm gan "lạ" gần đây là tỉ lệ mắc cao hơn, đối tượng mắc bệnh khác hơn. Kết quả xét nghiệm phần lớn trẻ mắc "viêm gan lạ" đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này.
PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ: "Nếu trước kia trẻ mắc bệnh thường là những trẻ bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu thì giờ có thể gặp ở trẻ khỏe mạnh bình thường. Giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus hiện tại có đột biến.
Một giả thuyết khác cũng được đặt ra, đó là khi trẻ cùng bị nhiễm COVID-19 và adenovirus, từ đó có hiện tượng trao đổi gene và khiến adenovirus dễ đột biến hơn. Có giả thuyết này là do việc đa số trẻ được phát hiện nhiễm viêm gan bí ẩn đều sống ở vùng trước đây từng chống chọi với dịch COVID-19".
Nếu đây chính là nguyên nhân chính của căn bệnh kì lạ này thì chúng ta cần biết rằng, nó lây qua không khí và đường tiêu hoá.
Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất lúc này là rửa tay thay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi đưa tay sờ mắt, mũi miệng), vệ sinh hô hấp tốt (đeo khẩu trang, ho vào khuỷu tay…), ăn uống đảm bảo vệ sinh.
Nguồn: Lotus @Dr Green