Ấu trùng sán lá phổi sau khi vào cơ thể người theo đường ăn uống, sẽ xâm nhập qua thành ruột non, vào khoang bụng. Sau đó xuyên qua cơ hoành đi lên phổi và tồn tại ở nhu mô phổi.
- Bé 28 tháng tuổi bị rắn độc bò vào nhà cắn, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch
- Lý giải nguyên nhân ăn xôi nhà làm lại bị suy đa tạng, suy hô hấp, tan máu
Theo thông tin từ Sức khỏe Đời sống, Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai mới tiếp nhận một bệnh nhân nam (31 tuổi, người dân tộc Thái, ở Điện Biên) nhập viện trong tình trạng tràn dịch/tràn khí màng phổi. Sau khi làm các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với loại Paragonimus (sán lá phổi).
Khai thác tiền sử bệnh nhân cho biết, trước đó khoảng 1 tháng, bệnh nhân lên chơi nhà bạn ở Lai Châu và có ăn món gỏi cua sống. Sau vài tuần, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sút cân, buồn nôn, khi hoạt động gắng sức cảm thấy bị khó thở, đuối sức và ho. Bệnh nhân có đi khám nhưng không tìm ra bệnh.
Khi được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã cho chỉ định tìm sán và kết quả đúng như dự đoán, bệnh nhân dương tính với loại Paragonimus (sán lá phổi). Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc tẩy sán và chỉ sau vài ngày nằm viện bệnh nhân đã được xuất viện.
Dẫn tin từ VOV, tại Việt Nam, sán lá phổi thường tập trung tại một số tỉnh miền núi như Sơn La, Lào Cai, Hoà Bình, Hà Giang, Nghệ An... Nguyên nhân do tập quán ăn hải sản chưa được nấu chín, đặc biệt là các món ăn được chế biến từ cua biển, cua đá như: Tiết canh cua, gỏi cua, cua nướng, uống nước cua sống, mắm cua… Trong đó cua đá là vật chủ mang sán lá phổi đặc trưng.
Khi con người hay súc vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng sán lá phổi chưa nấu chín, ấu trùng sán vào dạ dày và ruột (ấu trùng thoát nang ở tá tràng), xuyên qua thành ống tiêu hoá vào ổ bụng rồi xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào nhu mô phổi rồi làm tổ ở đó, một số ít cư trú tại tim, phúc mạc, gan, thận, dưới da, ruột, não...
Sán lá phổi có kích cỡ to bằng hạt cà phê hay hạt lạc nhỏ, dài 7-13 mm, rộng 4-6 mm, màu đỏ hoặc trắng hồng. Chúng thuộc loài lưỡng tính, có cả bộ phận sinh dục đực và cái.
Sán chủ yếu ký sinh trong phổi, làm nang trong tiểu phế quản nhỏ của phổi người hay súc vật, trong mỗi nang hầu hết có 2 con và dịch mủ màu đỏ, xung quanh có mạch máu tân tạo. Trứng sán có màu nâu sẫm, hình bầu dục, có nắp, kích thước: dài 80 - 120 µm – rộng 4-8 µm vỏ dày, bên trong có chứa phôi
Đây được đánh giá là bệnh mãn tính, nếu đển muộn, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng ho ra máu, xuất huyết phổi, tràn dịch khí, máu màng phổi.
Để phòng bệnh, cách hiệu quả nhất là đảm bảo ăn chín, uống sôi nhất là những nơi có thói quen ăn gỏi và các hải sản tươi sống.