Trải qua vô số những đau đớn nhưng Lady Gaga không gục ngã, ngược lại, những nỗi đau biến thành sức mạnh giúp "người đàn bà dị biệt" thêm từng trải, sâu sắc.
- Lý Nhã Kỳ mua hẳn nhà tại Singapore, hủy tham gia Cannes để chữa bệnh cho mẹ suốt 6 năm
- BTS: Ứng viên tháo gỡ 'rào cản bảo thủ' của Grammy, tạo nên vết rạn trong nhận thức 'Ngôi sao nhạc Pop = Người da trắng'
Năm 2019, Lady Gaga vinh dự nhận chiếc tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với ca khúc Shallow của phim điện ảnh A Star Is Born. Giây phút chạm tay vào giải thưởng danh giá, cô nghẹn ngào bật khóc và gây ấn tượng sâu sắc với bài phát biểu truyền cảm hứng đến khán giả.
"Nếu bạn đang xem chương trình, tất cả điều tôi muốn nói với bạn là tôi đã làm việc rất vất vả trong một khoảng thời gian dài. Đây không đơn thuần là giải thưởng mà là một hành trình không ngừng nghỉ để đạt được điều mình ấp ủ.
Nếu bạn có ước mơ, hãy chiến đấu vì nó. Điều quan trọng không phải là chiến thắng, mà là không bao giờ bỏ cuộc. Dù bạn bị từ chối bao nhiêu lần, gục ngã bao nhiêu lần, bạn cũng phải đứng dậy, tiếp tục cố gắng", nữ ca sĩ nói.
Bài phát biểu của Lady Gaga khiến cả khán phòng im lặng xúc động. Nữ ca sĩ từng chia sẻ, cuộc đời cô trải qua nhiều cay đắng trước khi trở thành ngôi sao nổi tiếng như hiện tại - đó cũng là lý do cô thể hiện xuất sắc vai diễn Ally trong A Star Is Born.
Tuổi thơ bị xa lánh, nỗi đau bị xâm hại năm 19 tuổi
Lady Gaga sinh năm 1986 tại New York, Mỹ. Tuổi thơ của cô là những tháng ngày bị bạn bè xa lánh, châm chọc và tẩy chay vì ngoại hình khác biệt.
Nữ ca sĩ từng chia sẻ với Rolling Stone về kỷ niệm buồn lúc còn đi học: “Tôi thường xuyên bị trêu chọc vì ngoại hình xấu xí, nhất là có chiếc mũi to. Tôi đã bị quấy rối rất nhiều, điều đó làm tôi rất đau khổ, thậm chí tôi không còn muốn đến trường nữa”.
Sự tự ti vì chiếc mũi quá khổ đã được cô thể hiện lại khi đóng A Star Is Born. Trong phim, nhân vật của Lady Gaga cho rằng cô không thể nào trở thành ca sĩ với chiếc mũi to như thế.
Ngoại hình khác biệt, tính cách lập dị nhưng Lady Gaga lại bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. Thời niên thiếu, được học ở Tu viện Thánh Tâm cùng với em gái, cô luôn là người dẫn đầu trong các hoạt động âm nhạc của trường và có thành tích học tập tốt.
Năm 4 tuổi, Lady Gaga tự học cách chơi đàn piano. 13 tuổi, cô cho ra đời bản hòa tấu đầu tiên. Một năm sau đó, nữ ca sĩ đã bắt đầu trình diễn trong các chương trình nghệ thuật có quy mô nhỏ.
Nhờ tài năng thiên bẩm, đến năm 17 tuổi, Lady Gaga đã là một trong số những học viên trẻ nhất được nhận vào học tại Trường Nghệ thuật Tisch thuộc Đại học New York.
Tuy được đào tạo tại ngôi trường nghệ thuật danh tiếng bậc nhất nước Mỹ nhưng cô gái 19 tuổi vẫn quyết định bỏ học ở năm thứ 2 để theo đuổi giấc mơ âm nhạc của mình theo cách riêng.
Thế nhưng, điều khiến Lady Gaga yêu thích cuồng nhiệt chính là thứ âm nhạc mang sắc thái nổi loạn, khó chiều khán giả, một “món ăn khó nuốt” đối với hầu hết thính giả Mỹ. Đĩa nhạc của cô đều bị các nhà sản xuất từ chối. Họ cho rằng âm nhạc của cô quá nổi loạn và không phù hợp với thị hiếu khán giả.
Để nuôi dưỡng ước mơ, cô gái trẻ chấp nhận đi hát hộp đêm với thù lao rẻ mạt. Lady Gaga nhớ lại quá khứ bằng ánh mắt trũng sâu:
"Tôi vào nghề cũng như tất cả mọi ca sĩ khác. Tôi hát ở mọi hộp đêm, hát hết mình, hát bằng mọi đam mê mà tôi có, tôi xem mình như một nghệ sĩ. Tôi học cách tồn tại, sống thực tế, học cách thất bại để đúc kết định hình lại phong cách của tôi ngày nay. Và tôi còn làm việc rất chăm chỉ nữa".
Nhưng cũng chính trong thời gian này, Lady Gaga phải trải qua một bi kịch đầy ám ảnh, nỗi đau ám ảnh cô một thời gian dài: bị xâm hại tình dục bởi một người đàn ông quyền lực trong ngành công nghiệp giải trí.
Cú sốc ấy khiến cô gái 19 tuổi suy sụp cả tinh thần và sức khỏe. Tại lễ trao giải Oscar, cô mới dám mở lòng chia sẻ về nỗi đau giấu kín:
"Sau khi bị xâm hại năm 19 tuổi, tôi đã thay đổi mãi mãi. Một phần trong tôi đã ngấm tắt nhiều năm rồi. Vì thế, tôi bắt đầu chạy trốn cho tới khi tôi thực sự cảm thấy những nỗi đau về mặt thể chất. Nó khiến tôi đau lòng.
Tôi bị tổn thương kinh khủng và phải tự an ủi mình hãy cứ tiến về phía trước, bởi tôi phải tự thoát ra khỏi nỗi buồn. Sau khi bị lạm dụng, tôi trở thành con người khác. Tôi sống khép mình suốt nhiều năm, không dám kể chuyện với ai.
Tôi né tránh nó. Tôi cảm thấy xấu hổ, ngay cả hôm nay, khi đang đứng trước mọi người. Có những ngày tôi nghĩ đó là lỗi của mình. Tôi phải đi khám vì tôi chẳng hiểu nổi mình bị sao nữa.
Và rồi, tôi được chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn và đau nhức toàn thân. Nhiều người còn không nghĩ bệnh này có thật, còn tôi thì không biết phải nói gì hơn nữa”, cô nghẹn ngào kể.
Chia sẻ câu chuyện được cất sâu trong lòng bấy lâu, nữ ca sĩ sinh năm 1986 cho rằng cô phải có trách nhiệm giúp đỡ những người bị xâm hại tình dục và truyền đi nguồn sức mạnh để giúp họ có thể vượt qua nỗi đau nặng nề này.
Mạnh mẽ bước tiếp sau nhiều biến cố
Bị tẩy chay, xâm hại tình dục thời niên thiếu, khi bước chân lên đỉnh cao danh vọng, những nỗi đau về tinh thần vẫn tiếp tục ám ảnh Lady Gaga. Trở thành người của công chúng đồng nghĩa với việc cô sẽ đánh mất quyền tự do cá nhân, trở thành tâm điểm của sự chỉ trích trước mỗi lần xuất hiện hay thậm chí là bị bệnh tật hành hạ dai dẳng.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBS năm 2018, nữ ca sĩ nghẹn ngào nói về cái giá của sự nổi tiếng: "Tôi đã nhận thức rõ ràng rằng, một khi đã bước vào showbiz này mình sẽ không còn được tự do nữa...
Họ có biết tôi đã phải nếm trải bao nhiêu cay đắng? Họ có biết tôi đã phải quỳ lạy những ai? Họ có biết đã bao lần tôi bị sỉ nhục cả về thể xác lẫn tâm hồn?".
Rời xa lớp trang điểm, ánh đèn và sự tung hô của cả triệu người hâm mộ, Lady Gaga trở về nhà với chất thuần tự nhiên, sự tĩnh lặng của một người đang trải qua quãng thời gian khó khăn với bệnh tật, trầm cảm và chứng hoảng sợ.
Cô tự bật ca khúc Joanna để nhớ về người bà đã khuất, cùng mẹ chuẩn bị những món ăn Ý trong tiếng cười và gục đầu vào bố để nũng nịu như thời thơ ấu.
Ở tuổi 30, Lady Gaga phải đối mặt với chứng đau xơ cơ. Căn bệnh khó chữa khiến cô đau đớn, u uất suốt nhiều năm. Nữ ca sĩ buộc phải tiêm thuốc giảm đau liên tục trong các buổi biểu diễn.
Đầu năm 2018, Lady Gaga phải tuyên bố hủy toàn bộ show diễn trong năm vì bệnh tật không cho phép cô cố gắng thêm nữa.
"Tôi rất đau lòng và không biết diễn tả như thế nào nữa. Nhưng nếu cứ tiếp tục biểu diễn, tôi sợ rằng mình không đủ sức để thể hiện được hết ý nghĩa của các ca khúc. Bác sĩ cũng yêu cầu tôi phải nghỉ ngơi để có thể nhanh chóng hồi phục nên tôi buộc phải hủy ít nhất 10 show trong tour Joanne. Những cơn đau buộc tôi phải tự xem mình là chiến binh và chống chọi lại chúng", cô chia sẻ.
Trải qua vô số những đau đớn nhưng Lady Gaga không gục ngã, ngược lại, những nỗi đau biến thành sức mạnh giúp "người đàn bà dị biệt" thêm từng trải, sâu sắc.
Nhiều năm liền, tên tuổi Lady Gaga gắn với các hoạt động xã hội. Cô thành lập Tổ chức Born This Way Foundation (BTWF) từ năm 2011 với mục đích hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tinh thần tại trường học khắp nơi trên nước Mỹ.
Bên cạnh đó, cô còn được vinh danh là biểu tượng của cộng đồng LGBT vì những đóng góp, kêu gọi hỗ trợ, lên tiếng vì sự công bằng cho họ. Tháng 10/2009, Lady Gaga đã tham gia cuộc diễu hành ủng hộ LGBT tại thủ đô nước Mỹ. Năm 2010, cô được tổ chức Do Something - chuyên đưa tin về các hoạt động từ thiện bầu chọn là nghệ sĩ nhân ái nhất năm.
Trong bài phát biểu tại sự kiện của tạp chí Elle, Lady Gaga suit rộng thùng thình của Marc Jacobs thay vì những váy vóc lộng lẫy thường được gắn cho phái đẹp, cô mạnh mẽ lên tiếng:
"Là một nạn nhân của bạo lực tình dục do một người cũng ở trong ngành giải trí này gây ra. Là một người phụ nữ chưa đủ dũng cảm để nói lên tên của hắn.
Là một người phụ nữ phải chịu căn bệnh mãn tính. Là một người phụ nữ từ nhỏ đã luôn bị điều khiển, bị sai khiến bởi những người đàn ông.
Hôm nay tôi quyết định, tôi muốn lấy lại quyền năng của mình. Hôm nay tôi chọn mặc quần.
Vào độ tuổi mà tôi có thể theo dõi hết các tin tức báo chí, hình ảnh những người đàn ông bất công, và những người phụ nữ không dám lên tiếng là điển hình của đất nước này, và tôi bất bình với nó.
Thời điểm đó tôi nhận ra là mình phải dùng sức mạnh đấu tranh để được làm chính mình hơn bao giờ hết. Để chống lại những tiêu chuẩn của Hollywood bằng bất kỳ cách nào. Để chống lại những quy chuẩn ăn mặc làm sao để gây ấn tượng. Và để tiếng nói của mình gây được ảnh hưởng...
Trầm cảm, lo lắng, rối loạn ăn uống, chấn thương – đây là những nguyên nhân gây ra vòng xoáy đau đớn này. Điều tôi muốn nói hôm nay, trong căn phòng này là chúng ta hãy sát cánh bên nhau để hướng thế giới đến sự tử tế.
Tôi thật may mắn khi có nguồn lực giúp đỡ. Nhưng đối với nhiều người, họ không hề có, cũng không có khả năng chi trả hoặc thậm chí là tiếp cận đến những sự trị liệu đó. Tôi muốn thấy những trung tâm tâm lý trở thành một ưu tiên hàng đầu toàn cầu.
Vì công lý, hãy để tiếng nói của bạn được nghe thấy. Dù câu chuyện của chúng ta là như thế nào. Vì bình đẳng. Chúng ta hãy đấu tranh cho công lý cho những người phụ nữ, đàn ông bị lạm dụng tình dục. Đối với tôi, đó chính là ý nghĩa của một người ở làn sóng Hollywood này".