Điền kinh Việt Nam: Xóa đi nỗi âu lo về nhân sự kế cận

Tin tức giải trí 16/05/2023 22:41

Tại SEA Games 32, Điền kinh Việt Nam đã cho thấy sự kết hợp hoàn hảo giữa những VĐV giàu kinh nghiệm và lứa trẻ đầy tài năng.

Trước thềm SEA Games 32, không ít lo ngại cho rằng việc đưa những VĐV trẻ lên thay thế những gương mặt nổi trội như Phương Anh, Quách Thị Lan hay Vũ Thị Ngọc Hà... sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích của Điền kinh Việt Nam.

Tuy nhiên, trái ngược với những lo lắng trên, sự kết hợp hoàn hảo giữa những VĐV giàu kinh nghiệm và lứa trẻ đầy tài năng đã giúp Điền kinh Việt Nam đạt được không ít thành công không chỉ về mặt thành tích mà còn là nguồn cảm hứng, tạo động lực cho các môn thi đấu khác.

Vẫn còn đó những tượng đài

Dù thiếu đi những gương mặt tài năng từng giành HCV ở những kỳ Đại hội trước như Khuất Phương Anh, Quách Thị Lan... nhưng đội tuyển Điền kinh Việt Nam vẫn còn đó những "tượng đài" không thể xô đổ như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh hay Lê Tú Chinh...

Điền kinh Việt Nam: Xóa đi nỗi âu lo về nhân sự kế cận - Ảnh 1
Nguyễn Thị Huyền xác lập kỷ lục 13 HCV tại các kỳ SEA Games

Tại SEA Games 32, với ba tấm HCV giành được gồm 1 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội, Nguyễn Thị Huyền nâng tổng số HCV cô giành được tại các kỳ SEA Games lên con số 13 và là VĐV sở hữu số lượng nhiều nhất trong lịch sử điền kinh Việt Nam ở đấu trường SEA Games.

Không kém cạnh người đồng nghiệp, Nguyễn Thị Oanh cũng mang về cho Điền kinh Việt Nam 4 tấm HCV ở các nội dung 5.000m, 1.500m, 3.000m chướng ngại vật và 10.000m. Đặc biệt trong đó, cô gái người Bắc Giang đã giành liên tiếp 2 tấm HCV ở 2 nội dung 1.500m, 3.000m chỉ trong 20 phút. Dù chưa thể san bằng kỷ lục của Nguyễn Thị Huyền, nhưng Nguyễn Thị Oanh đã cho thấy sự bền bỉ, quyết tâm cao để hướng tới thành tích tốt nhất.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt từng khẳng định, vị trí đứng đầu trên bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 32 của đoàn Thể thao Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của các VĐV nữ. Trong đó, những hình ảnh đẹp như VĐV Nguyễn Thị Oanh dù thi đấu 2 cự ly nặng nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, mang về 2 tấm HCV là minh chứng rõ ràng.

"Đây là nguồn cảm hứng để các VĐV thi đấu sau này nhìn vào, phấn đấu nỗ lực nhiều hơn để mang về thành tích tốt" - Trưởng đoàn Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Điền kinh Việt Nam: Xóa đi nỗi âu lo về nhân sự kế cận - Ảnh 2
Nguyễn Thị Oanh đã tạo nên kỳ tích bất ngờ ở kỳ đại hội lần này

Còn với Lê Tú Chinh, sự trở lại của "nữ hoàng tốc độ" dù chưa thể ngay lập tức giúp Điền kinh Việt Nam có được thành tích ở các nội dung ngắn, tiếp sức ngắn nhưng cũng như Nguyễn Thị Huyền hay Nguyễn Thị Oanh, kinh nghiệm thi đấu của Tú Chinh chắc chắn sẽ giúp đỡ rất nhiều cho lứa VĐV trẻ.

Ngoài ra, không thể không kể đến những VĐV đã và đang có được phong độ ổn định, giành được không ít thành tích tốt như Nguyễn Linh Na, Huỳnh Thị Mỹ Tiên, Phạm Thị Hồng Lệ, Nguyễn Thị Hằng...

Việc sử dụng kết hợp giữa các VĐV nhiều kinh nghiệm cùng lứa VĐV trẻ có tiềm năng không phải điều quá xa lạ trong thể thao. Thành công của U22 Việt Nam tại SEA Games 30 và 31 là mình chứng rõ nhất khi các VĐV trẻ được dẫn dắt bởi những VĐV có nhiều kinh nghiệm thi đấu. Thông qua việc giao tiếp, cùng tập luyện, cùng thi đấu, các VĐV trẻ sẽ từng bước trưởng thành và dần đủ sức thay thế cho đàn anh/chị.

Và sự nổi lên của các tài năng trẻ

Không thể phủ nhận mỗi VĐV trẻ đều có tố chất, tài năng và đường hướng phát triển riêng, nhưng để có thể đứng vững ở đấu trường quốc tế, nơi sự cạnh tranh so với các giải đấu quốc nội có phần khốc liệt hơn thì vẫn cần có "điểm tựa" là những người đi trước. Dù là môn thi đấu có thiên hướng cá nhân, nhưng việc bồi đắp cho thế hệ sau là vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm vừa là mong muốn mà mỗi VĐV "lão làng" đều hướng tới.

Tại SEA Games 32, Điền kinh Việt Nam “trình làng” một số gương mặt trẻ được đánh giá như những sự thay thế chất lượng cho các VĐV đàn anh/chị. Nổi bật lên trong đó là bộ đôi "Gen Z" lần đầu tham dự Đại hội Nguyễn Thị Thu Hà và Bùi Thị Ngân.

Nếu như Khuất Phương Anh, Đinh Thị Bích từng giúp nội dung 800m nữ của Việt Nam bước lên bục cao nhất trong 2 kỳ SEA Games 30 và 31 liên tiếp, thì Thu Hà và Bùi Thị Ngân cho thấy sự "kế thừa" hoàn hảo khi cán đích ở hai vị trí đầu tiên của nội dung này.

Không những vậy, thành tích của cả hai lần lượt vượt qua (2 phút 08 giây 55 của Thu Hà) và tiệm cận (2 phút 08 giây 96 của Bùi Thị Ngân) so với thành tích của Khuất Phương Anh lập nên tại SEA Games 31 (2 phút 08 giây 74).

Điền kinh Việt Nam: Xóa đi nỗi âu lo về nhân sự kế cận - Ảnh 3
Nguyễn Thị Thu Hà (543) và Bùi Thị Ngân (553) là bộ đôi VĐV trẻ thành công nhất tại SEA Games 32

Bùi Thị Ngân cũng là chủ nhân của tấm HCB nội dung 1.500m nữ trước đó. Thành tích của Ngân ở nội dung này là 4 phút 29 giây 75. Dù chưa thể bì được với đàn chị Nguyễn Thị Oanh nhưng thông số của Ngân được đánh giá là rất tốt và có tiềm năng phát triển.

Bên cạnh bộ đôi Thu Hà, Bùi Thị Ngân, Nguyễn Thị Ngọc cũng được xem là một trong số những gương mặt trẻ có tiềm năng. VĐV sinh năm 2002 đã cùng các đồng đội Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh giành huy chương vàng nội dung 4x400m nữ.

Trước khi giành huy chương tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Ngọc đã có nhiều thành tích tại các giải đấu quốc tế như HCV và HCĐ Giải Điền kinh Philippines mở rộng 2023; HCV Giải Điền kinh Cúp tốc độ Thống Nhất TP Hồ Chí Minh năm 2021; HCB và HCĐ Giải vô địch Điền kinh Đông Nam Á năm 2018; HCB và HCĐ Đại hội Thể thao toàn quốc 2022... Ở tuổi 21, Nguyễn Thị Ngọc hoàn toàn có đủ khả năng "thừa kế" lại đường chạy của Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền trong tương lai.

Điền kinh Việt Nam: Xóa đi nỗi âu lo về nhân sự kế cận - Ảnh 4
Trần Thị Nhi Yến, tài năng trẻ trên đường chạy ngắn

Nhìn sang các nội dung cự ly ngắn, cô gái 18 tuổi Trần Thị Nhi Yến đã có màn ra mắt ấn tượng trong lần đầu dự kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Sở hữu chiều cao 1m73 cùng tuổi đời còn rất trẻ, Nhi Yến đã có màn "chào sân" cực kỳ ấn tượng khi mang về 1 tấm HCV nội dung 200m và 1 tấm HCĐ nội dung 100m.

Cô gái quê Long An mới tập điền kinh chuyên nghiệp chưa đầy một năm dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thị Thanh Hương (HLV của VĐV Lê Tú Chinh) đã cho thấy tiềm năng phát triển đáng kinh ngạc và chắc chắn sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho đàn chị Tú Chinh trong tương lai.

SEA Games 32 là một trong những bước chuẩn bị quan trọng của ngành thể thao Việt Nam để liên thông tới hai giải đấu lớn là ASIAD 19 và Olympic 2024. Cùng với các môn thể thao như Bơi, Bắn súng, Bắn cung... Điền kinh là môn thể thao trọng điểm được lựa chọn tập trung đầu tư.

Thông qua những thành tích đã đạt được của các VĐV tại SEA Games vừa qua, Điền kinh cho thấy một nền tảng chắc chắn về lực lượng nhân sự khi vừa sở hữu những VĐV giàu kinh nghiệm có thể đáp ứng ngay các giải đấu trong tương lai gần, đồng thời cũng sở hữu những VĐV tiềm năng phục vụ cho các mục tiêu xa./.

 

Mẹ nữ cầu thủ Thanh Nhã vừa giành chức vô địch SEA Games 32: "Từ nhỏ tôi không đồng ý nhưng chiều đam mê của con"

Theo người mẹ của Nguyễn Thị Thanh Nhã, từ nhỏ cô đã đam mê môn bóng đá, mỗi lần đi học về thường trốn đi tập với một số người bạn.

TIN MỚI NHẤT