Những đối tượng hành hạ dã man 2 ngư dân trên tàu cá đang di chuyển vào bờ để phục vụ quá trình điều tra.
- Nóng MXH: Phẫn nộ đoạn clip người đàn ông bị hành hạ dã man bằng kìm bấm vào môi, hạ bộ
- Vụ người đàn ông bị 'tra tấn' dã man bằng kìm bấm vào môi, hạ bộ trên tàu biển: Vì sao chưa thể xử lý các nghi phạm ra tay tàn độc?
Liên quan đến vụ 2 ngư dân bị 'tra tấn' dã man trên tàu biển, theo thông tin từ báo Người Lao động, chiều 18/11, bà Võ Thị Lệ (ngụ huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) cho biết, con bà là ông T.V.T. đã vào tới thị trấn Sông Đốc để phục vụ công tác điều tra. Tàu cá có những người hành hạ ông T. cũng đang di chuyển vào bờ nhưng chưa đến nơi.
"Gia đình tiếp nhận thông tin trên từ ngành chức năng thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau thông báo. Hiện, tôi vẫn chưa tìm được số điện thoại để liên lạc với con trai" – bà Lệ nói.
Trước đó, theo thông tin từ Zingnews, chiều 17/11, Công an tỉnh Cà Mau nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh này về việc khẩn trương phối hợp cùng UBND huyện Trần Văn Thời và các cơ quan chức năng để điều tra vụ ngư dân bị hành hạ trên tàu cá.
Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết quan điểm của lãnh đạo địa phương là xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật: “Những người có liên quan đến vụ hành hạ ngư dân vẫn còn đánh bắt hải sản ngoài biển. Công an tỉnh phải vào cuộc, phối hợp cùng UBND huyện Trần Văn Thời và các cơ quan chức năng để sớm đưa tàu cá và các ngư dân liên quan vào bờ để điều tra, xử lý nghiêm”.
Cùng ngày, ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, chỉ đạo công an huyện này phối hợp với Đồn biên phòng Sông Đốc yêu cầu bà Phạm Thị Hà (còn gọi là Năm Bộ, ngụ khóm 3, thị trấn Sông Đốc) đưa tàu cá BT 97993-TS vào đất liền để xử lý các nghi can hành hạ 2 thuyền viên. Vụ việc đang gây xôn xao dư luận khi mạng xã hội xuất hiện 2 clip vào ngày 15/11 với nội dung thuyền viên tàu cá bị đồng nghiệp hành hạ dã man.
Theo lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời, 2 nạn nhân bị hành hạ trên tàu cá BT 97993-TS là anh Lê Văn Bình (30 tuổi, ngụ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) và ông Trương Văn Trung (47 tuổi, ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang). 3 nghi can là Nguyễn Công Toàn (còn gọi là To, 34 tuổi), Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi) và Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi).
Trong đó, Toàn là con trai ruột của bà Hà, Tỵ ở xã Khánh Hải và Hùng ở khóm 7, thị trấn Sông Đốc. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy ngày 4/1, tàu cá BT 97993-TS của bà Hà làm chủ đã xuất bến tại cửa sông Ông Đốc, trên tàu có 7 thuyền viên do Nguyễn Công Toàn làm thuyền trưởng. 6 thuyền viên khi tàu xuất bến là Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi), Đoàn Văn Hùng, Trương Văn Trung, Phạm Chí Cường, Nguyễn Văn Của và Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi).
Làm việc trên tàu một thời gian, Đoàn Văn Hùng thấy công việc không phù hợp, nên đi nhờ tàu cá khác vào đất liền. Bà Hà sau đó đưa anh Bình ra biển hoạt động cùng 5 thuyền viên khác.